Trị liệu nghệ thuật trong phim “Người Lắng Nghe”

(Cảnh báo spoil nhẹ nha)

Người lắng nghe _ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Khoa Nguyễn _ là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên nỗ lực khai thác đề tài trị liệu tâm lý một cách nghiêm túc và có nhiều đầu tư ở góc độ chuyên môn. Bộ phim tâm lý có yếu tố kinh dị này đi sâu vào những góc khuất tâm trí của nhiều phận đời khác nhau trong xã hội: một tiểu thuyết gia thành công bị ám ảnh bởi quá khứ mất mát của gia đình, một chuyên viên tâm lý với vết thương tinh thần của riêng mình, một người vợ sắc sảo không cam phận ‘hậu phương an nhàn’, một bác sĩ tâm thần thành đạt hiếm muộn, một người mẹ mất con, một đứa con thiếu thốn tình thương và sự quan tâm…

Trong phim, các phiên trị liệu của nhân vật nam chính được khắc hoạ gãy gọn và bao quát nhưng ngôn ngữ điện ảnh đã khéo léo giúp người xem hình dung được phần nào các hoạt động ứng dụng trị liệu nghệ thuật và khía cạnh rất riêng của trị liệu nghệ thuật.

Saigon Psychub rất vinh dự khi một trong các chuyên gia của chúng tôi – Nhà trị liệu nghệ thuật Nguyễn Đức Như Thuỷ – là cố vấn khoa học cho bộ phim ngay từ khi tác phẩm chỉ mới nằm trên mặt chữ. Chị là cố vấn chuyên môn cho đoàn phim từ yếu tố chẩn đoán, biểu hiện lâm sàng của các rối loạn, cho đến mô tả các hoạt động trong một phiên trị liệu nghệ thuật.

TIẾN TRÌNH TRỊ LIỆU NGHỆ THUẬT VỪA GIỐNG VỪA KHÁC VỚI TRỊ LIỆU THÔNG THƯỜNG

MỤC TIÊU

Như mọi hình thức trị liệu tâm lý khác, tiến trình nghệ thuật thường giúp thân chủ chạm ngõ những chất liệu sâu xa trong đời sống cá nhân mà bấy lâu bị dồn nén, cũng như khám phá những giải pháp và thế mạnh của bản thân ẩn sâu trong vô thức.

THỜI LƯỢNG PHIÊN TRỊ LIỆU

Một phiên tham vấn trị liệu thông thường kéo dài từ 45 đến 60 phút, đôi khi có thể lên đến 90 phút đối với buổi gặp đầu tiên. Đối vời trị liệu nghệ thuật, phiên làm việc có thể kéo dài từ 90 phút đến 120 phút tuỳ nhu cầu thân chủ, vì quá trình làm việc  cần có thời gian thao tác làm việc trên tác phẩm sáng tạo. (Xem thêm về trị liệu nghệ thuật tại đây)

PHƯƠNG THỨC GIAO TIẾP

Ở mỗi buổi, thân chủ và nhà trị liệu vẫn trao đổi, chia sẻ nhưng đồng thời sẽ có những hoạt động sáng tạo khác. Tùy vào nhu cầu, mức độ thoải mái, và mục tiêu trị liệu mà thân chủ có thể dấn thân vào các tiến trình sáng tạo như vẽ, tô màu, nặn đất sét hoặc cắt dán…

Trong người lắng nghe, chúng ta có thể thấy đạo diễn đã diễn đạt rất tốt điều này. Có những khoảnh khắc thân chủ tập trung sáng tạo các tác phẩm dưới sự chứng kiến (witness) của nhà trị liệu. Nam chính trong bộ phim song song với việc cho thân chủ thực hành các hoạt động biểu đạt, anh liên tục đặt thêm các câu hỏi gợi dẫn liên quan đến tác phẩm trung gian này để thân chủ tự mình khai mở thêm các phần ẩn khuất bên trong mà họ không thể thể lộ bằng lời.

HIỆU QUẢ

Trị liệu nghệ thuật đã được chứng minh là một phương pháp trị liệu hiệu quả cho những người có rối loạn tâm thần, và đặc biệt hiệu quả đối với trẻ em và người lớn từng trải qua sang chấn tâm lý, bởi nó mang đến một giải pháp thay thế cho việc diễn đạt bằng lời nói đơn thuần. Các trải nghiệm với vật liệu nghệ thuật kích thích ký ức và bộc lộ cảm xúc dù chúng ta có cố ý hay không. Quá trình sáng tạo này đối với những người sống sót sau chấn thương tâm lý mặt khác là một cách an toàn để họ khám phá và giao tiếp với nhà trị liệu nghệ thuật về những ký ức đau buồn của mình. Chính vì vậy, bản vẽ, mặt nạ hoặc các sản phẩm nghệ thuật khác – như trong Người Lắng Nghe là bức tranh của nữ chính và cái cây bằng đất nặn của bệnh nhân bị đoạn chi – có thể chính là một bản mô tả bên ngoài về trải nghiệm bên trong của thân chủ.

TRỊ LIỆU NGHỆ THUẬT KHÔNG CHỈ CÓ VẼ VÀ VẼ

Một trong các hiểu lầm phổ biến nhất về trị liệu nghệ thuật là rằng đây hẳn là một phương thức trị liệu dành cho người có khiếu thẩm mỹ cao và người được trị liệu sẽ bước vào phòng, rồi bắt đầu vẽ, vẽ, tô và lại vẽ…

Một phân cảnh trong Parasite

Vào khoảng giữa năm 2020, tác phẩm điện ảnh gây nên cơn sốt toàn cầu Parasite cũng có một phân đoạn ngắn nhắc đến trị liệu nghệ thuật. Đó là khi nhân vật nữ Ki-jeong – cô con gái sắc sảo của gia đình nghèo họ Kim – khôn khéo tạo ra danh tính mới cho mình là nhà trị liệu nghệ thuật và lợi dụng sở thích vẽ tranh của cậu bé Da-song (con út của gia đình Park giàu có) cùng sự ít phổ biến của trị liệu nghệ thuật để thao túng bà Park trả bộn tiền cho mình để chữa trị cho con trai. Trị liệu nghệ thuật lúc này được khắc hoạ khá “quyền lực”, có chút kì ảo, và như hình dung của số đông, nó chủ yếu xoay quanh hoạt động tô vẽ.

trị liệu nghệ thuật - dây và đất sét

một sản phẩm của quá trình trị liệu nghệ thuật từ dây và đất sét trắng (đã được tác giả cho phép công bố)

 

 

Trong thực tế, đôi khi thân chủ sẽ hoàn toàn không động đến một cây cọ hay bút chì nào trong suốt một phiên trị liệu.

Thân chủ và nhà trị liệu có thể làm việc trên ảnh chụp, trên vải và các vật liệu tái chế, hoặc chỉ len và đất sét. Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ thông qua các phân cảnh người đàn ông bị đoạn chi trong Người Lắng Nghe tần ngần run rẩy tạo tác một cái cây bằng đất sét tượng trưng cho hình ảnh bản thân đang chịu nhiều tổn thương. Các nhánh cây vừa có thể là biểu tượng của phần chi bị mất nối dài, vừa có thể là biểu trưng cho khao khát sống và trở về của người bệnh.

Trị liệu nghệ thuật chú trọng đến tiến trình trưởng thành tâm lý thông qua sáng tạo chứ không đặt mục tiêu tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Thân chủ luôn là “chuyên gia” trong tác phẩm nghệ thuật của chính họ, và nhà trị liệu nghệ thuật ở đó để hướng dẫn họ tìm hiểu hay phát triển bản thân. Chính vì vậy, chúng tôi rất hứng thú khi được chứng kiến những mô tả rất chân thật, không hề “thần thánh hoá” hay “kì bí hoá” hình ảnh nhà trị liệu trong Người Lắng Nghe.

art journaling - ứng dụng trịl iệu nghệ thuật

Một hoạt động sử dụng hình ảnh tự cắt ra từ tạp chí trong khoá học Art Journaling tại Psychub – ứng dụng trị liệu nghệ thuật để phát triển bản thân

TRỊ LIỆU NGHỆ THUẬT LÀ MỘT NGÀNH NGHỀ CHUYÊN NGHIỆP

Chúng ta thường ghi nhận chức năng xoa dịu và làm lành các thương tổn của nghệ thuật, nhưng ít ai biết rằng trị liệu tâm lý thông qua nghệ thuật thị giác là một khoa học và là một ngành nghề chuyên nghiệp, bài bản

Tại Mỹ, trị liệu nghệ thuật được định nghĩa là một nghề chăm sóc sức khỏe tâm thần sử dụng quá trình chế tác nghệ thuật chủ động, sáng tạo tích cực, các lý thuyết tâm lý ứng dụng và kinh nghiệm của con người trong mối quan hệ trị liệu tâm lý. Các nhà trị liệu nghệ thuật có bằng thạc sĩ và được đào tạo chuyên sâu về lâm sàng, đồng thời hiểu biết về cơ chế tương tác của nghệ thuật với tâm lý thân chủ.

Nếu bạn đã xem Người Lắng Nghe, hẳn sẽ nhớ trong phim có một phân cảnh nữ chính trong cơn loạn thần đã chộp lấy các cây viết chì màu chuốt nhọn để tự làm đau mình. Ngôn ngữ điện ảnh thể hiện trong cảnh này rất sống động. Đây chính là những rủi ro thực tế mà nhà lâm sàng – nhà trị liệu nghệ thuật luôn phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi thiết kế hoạt động trị liệu và không gian trị liệu an toàn cho thân chủ của mình, đặc biệt là những người có xu hướng tự hại.

người lắng nghe - art therapy - ứng dụng trị liệu nghệ thuật

phân cảnh nữ chính có hành vi nguy hiểm trong phiên trị liệu

Để một phiên trị liệu nghệ thuật diễn ra an toàn và đạt được các hiệu quả lâm sàng cần có, bất cứ chất liệu hay hoạt động nào được sử dụng trong phiên trị liệu cũng đi cùng với rất nhiều suy tư và tri thức về tâm bệnh, tâm lý phát triển, hành vi…chứ không chỉ là những bài tập rập khuôn về viết, vẽ, xé dán hay làm việc với hình ảnh.

Chúng tôi nhắc đến điều này ở đây là để làm rõ việc không phải cứ sử dụng các loại hình nghệ thuật để phục vụ cho mục đích thư giãn, giải toả cảm xúc thì được gọi là trị liệu nghệ thuật. Phân cảnh khá nặng nói trên như một lời nhắc nhở rằng trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật là một ngành chuyên nghiệp, cần được thực hiện bởi những nhà trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp.

Thậm chí, lời nhắc nhở lớn hơn là khi nhà trị liệu đang có các vấn đề tâm lý của riêng mình, việc chú ý tự chăm sóc tinh thần và làm việc với giám sát chuyên môn là vô cùng quan trọng để tránh các nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp không đáng có hoặc xa hơn là có các quyết định hay tiếp cận trị liệu có thể phương hại đến thân chủ.

——–

Để kết lại, có thể nói thông điệp “ai cũng cần một người lắng nghe” (kể cả người làm công việc lắng nghe và chăm chữa cho người khác) mà Khoa Nguyễn gửi gắm trong phim cũng chính là điều mà chúng tôi mong mỏi trong lúc này.

Trong Người Lắng Nghe, nhà tâm lý đã được mệt, được bệnh, được đúng và sai và cùng thân chủ không ngừng trưởng thành. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này cùng những phân cảnh trong phim sẽ được truyền cảm hứng để khán giả và cộng đồng tìm hiểu thêm về liệu pháp nghệ thuật (Xem thêm: Khoá học Art Journaling – ứng dụng trị liệu nghệ thuật). Cho dù người xem là một bạn trẻ đang đối diện với những chấn thương tâm lý hay một người trưởng thành đang phải vật lộn với những thử thách trong cuộc sống, chúng tôi khuyến khích bạn tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp (một nhà trị liệu nghệ thuật chẳng hạn) nếu những nỗ lực vượt qua khó khăn của bạn sau một thời gian vẫn chưa đạt được các kết quả mong muốn.

Tác giả bài viết: MUI. (@Saigon Psychub)

Để lại bình luận