4 CHIẾN LƯỢC ĐỂ KHẮC PHỤC VÀ NGĂN NGỪA BURNOUT

CĐ THÁNG 5: 4 CHIẾN LƯỢC ĐỂ KHẮC PHỤC VÀ NGĂN NGỪA BURNOUT (KIỆT SỨC NGHỀ NGHIỆP)

Theo WHO (2019): Burn out (kiệt sức nghề nghiệp) là một hội chứng được khái niệm hóa do căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc chưa được quản lý thành công. Nó được đặc trưng bởi ba chiều:
– Cảm giác cạn kiệt năng lượng hoặc kiệt sức;

– Khoảng cách tinh thần với công việc của một người ngày càng tăng hoặc cảm giác tiêu cực hoặc hoài nghi liên quan đến công việc của một người;

– Và giảm hiệu quả chuyên môn.

Sự kiệt sức đề cập cụ thể đến các hiện tượng trong bối cảnh nghề nghiệp và không nên áp dụng để mô tả những trải nghiệm trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Triệu chứng của Burnout – 3 thành tố cấu thành

Theo nghiên cứu tiên phong của Christina Maslach cùng các cộng sự, Burnout là một hội chứng gồm có 3 triệu chứng chính, và có nguyên nhân là những nguồn gây căng thẳng kéo dài trong công việc. Các triệu chứng chính bao gồm:

  • Kiệt quệ: Triệu chứng cốt lõi của Burnout, bao gồm sự kiệt quệ về cả thể chất, tinh thần và cảm xúc, làm suy giảm khả năng làm việc cũng như khả năng cảm thấy tích cực về công việc của mình.
  • Bi quan: Giảm mức độ gắn kết với công việc, xa cách về tinh thần với công việc của mình. Thay vì cảm thấy nhiệt tình với các nhiệm vụ, dự án, đồng nghiệp, khách hàng và những người cộng tác khác, bạn lại cảm thấy thờ ơ, tiêu cực, thậm chí là lạnh nhạt.
  • Giảm năng lực: Giảm năng lực, thành tích và năng suất làm việc. Một người có triệu chứng này sẽ cảm thấy tay nghề họ giảm sút đi và lo rằng có thể họ sẽ không làm tốt được một số phần trong công việc.

Cách phục hồi và ngăn ngừa đối với Burnout

Các yếu tố về môi trường làm việc là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến burnout. Do đó, để khắc phục được tận gốc vấn đề thường đòi hỏi sự thay đổi trong tập thể, tổ chức. Tuy nhiên, đối với cá nhân chúng ta, khi bạn đã nhận biết được triệu chứng và những nguyên nhân gây ra chúng, có một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện:

  • Ưu tiên chăm sóc cho bản thân mình

Để có thể hồi phục năng lượng về thể chất lẫn tinh thần, cũng như sự tập trung trong công việc, một điều tối cần thiết đó là chúng ta ưu tiên xây dựng cho mình một lịch trình nghỉ ngơi, tập luyện, kết nối xã hội đầy đủ và hợp lý – có thêm những hoạt động nuôi dưỡng bản thân như: ngồi thiền, viết nhật ký, dành thời gian tận hưởng thiên nhiên,…Nếu lịch trình của bạn hiện tại quá dày đặc để có thể thêm vào những hoạt động như vậy, hãy cho mình một tuần để theo dõi chính xác cách bạn đang sử dụng thời gian hiện tại (có thể ghi lại trên giấy, trên bảng tính, hoặc thông qua các ứng dụng quản lý thời gian trên điện thoại). Hãy chia thời gian trong ngày ra thành các khoảng (block, theo giờ hoặc theo buổi chẳng hạn), rồi ghi chép lại việc bạn đang làm lúc đó, cùng với ai, cảm giác của bạn trong lúc đó (có thể sử dụng thang từ 1 đến 10, 1 là tức giận và thêm mệt mỏi, còn 10 là vui thú và truyền cảm hứng), và mức độ quan trọng của hoạt động này đối với bạn. Bảng này sẽ giúp bạn nhìn thấy và nhờ đó giảm thiểu được những hoạt động không cần thiết nhưng lại khiến bạn mệt mỏi, dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động tiếp thêm năng lượng, cũng như có không gian cho những hoạt động nghỉ ngơi, tích cực ngoài công việc.

  • Thay đổi góc nhìn của bạn

Dù nghỉ ngơi, thư giãn và chăm sóc bản thân có thể làm dịu đi sự mệt mỏi, chúng thực ra vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề của burnout. Khi trở lại làm việc, bạn sẽ lại phải tiếp tục đối diện với khối lượng công việc khổng lồ, mâu thuẫn khó giải quyết, hoặc những thiếu thốn về kinh phí/vật chất của tổ chức. Giờ là lúc bạn cần phải nhìn rõ hơn cách tư duy và những giả định của mình. Khía cạnh nào trong tình cảnh hiện tại không thể thay đổi được, và có thể thay đổi được? Việc thay đổi góc nhìn có thể giúp che chắn bớt đi những ảnh hưởng tiêu cực, kể cả từ những khía cạnh không thể thay đổi được ở trên. Nếu sự kiệt sức đang là vấn đề chính, hãy xét xem có những công việc nào–kể cả việc quan trọng–mà bạn có thể ủy thác được để giải phóng thời gian và năng lượng cho những việc cũng quan trọng khác? Có cách nào sắp xếp lại công việc để bạn có nhiều sự kiểm soát hơn, được tập trung vào phần việc có ý nghĩa với bạn hơn?
Nếu bi quan đang là vấn đề của bạn, có cách nào để bạn tách mình khỏi bộ phận của chỗ làm khiến bạn khó chịu, đồng thời tham gia vào vai trò chính của mình nhiều hơn trong tổ chức? Hoặc có cách nào để bạn có thể xây dựng được những mối quan hệ hỗ trợ, tích cực, nhằm khắc phục lại những mối quan hệ khiến bạn mệt mỏi?
Và nếu bạn đang cảm thấy mình đang làm việc không hiệu quả, có cách nào bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ, hoặc học tập và phát triển thêm cho mình? Nếu việc được công nhận đang là vấn đề, bạn có thể thử xây dựng thương hiệu cá nhân của mình để giới thiệu rõ hơn về những gì bạn đã và có thể làm được không?

  • Giảm thiểu sự tiếp xúc với những nguồn cơn gây căng thẳng:

Bạn vẫn sẽ cần phải giải quyết những hoạt động và những cá nhân khiến bạn gặp căng thẳng một cách tiêu cực. Điều này bao gồm thiết lập lại kỳ vọng của đồng nghiệp, khách hàng, và thậm chí là thành viên trong gia đình về những việc bạn sẽ nhận, mức độ công việc, cũng như một số quy định rõ ràng trong việc hợp tác với nhau. Có thể bạn sẽ gặp phản kháng trong lúc tái lập lại, nhưng những người phản kháng đó cần biết rằng bạn đang thay đổi để nâng cao chất lượng công việc về lâu dài và cũng để giữ gìn sức khoẻ của bản thân.

  • Đi tìm sự kết nối

Thuốc chữa tốt nhất của burnout, đặc biệt là những trường hợp bi quan và làm việc kém hiệu quả, đó là tìm kiếm những mối quan hệ mà bạn có thể chia sẻ, đồng thời liên tục phát triển mình về cá nhân lẫn chuyên môn. Hãy tìm những người thầy, người hướng dẫn có thể giúp bạn xác định và tận dụng những mối quan hệ tích cực và những cơ hội để phát triển. Đồng thời, việc tình nguyện hướng dẫn một ai đó khác cũng là một cách đặc biệt hiệu quả để phá vỡ vòng lặp tiêu cực.

Bởi vì burnout có yếu tố môi trường, nhiều khả năng là những đồng nghiệp khác trong nơi làm việc cũng đang gặp tình trạng này. Nếu các bạn có thể kết nối lại và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau tìm nguyên nhân và nghĩ ra giải pháp, có thể tất cả các bạn đều sẽ có được mức độ kiểm soát và kết nối trong công việc được nâng cao hơn.


Kết luận

Burnout đôi khi có thể khiến chúng ta cảm thấy lực bất tòng tâm. Tuy nhiên, cảm giác quá tải đó chỉ là một dấu hiệu, không phải là một tình trạng không thể thay đổi. Thông qua việc hiểu được những triệu chứng, nguyên nhân của chúng, cũng như áp dụng bốn chiến lược đã đề ra, bạn sẽ có thể hồi phục và có định hướng để phòng ngừa. Những khó khăn kinh khủng mà bạn đang trải nghiệm hiện tại cũng có thể sẽ trở thành bước ngoặt, giúp bạn tìm tới được một sự nghiệp bền vững hơn cho bản thân, và kèm theo đó là một cuộc sống hạnh phúc, khoẻ mạnh hơn.

 

Dịch từ nguồn tham khảo:
https://hbr.org/2016/11/beating-burnout

Nguồn ảnh: Lukas Bieri, Tara Winstead, Matt Ragland, Alexis Brown.

Để lại bình luận