QUÁ TẢI GIÁC QUAN Ở TRẺ TỰ KỶ – ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT HỆ THẦN KINH KHÁC BIỆT

CĐ THÁNG 4: Quá tải giác quan ở trẻ tự kỷ – Đặc điểm của một hệ thần kinh khác biệt

Quá nhiều thông tin giác quan,
hoặc đôi khi, quá ít…

Hệ thần kinh của người tự kỷ được hình thành một cách khác biệt so với thông thường, do đó trải nghiệm giác quan của họ có thể cũng sẽ rất khác biệt. Giác quan của trẻ em và cả người lớn tự kỷ có thể rất nhạy cảm và nhận vào quá nhiều thông tin, khiến họ bị quá tải. Điều này không có nghĩa là họ yếu đuối hay cần phải trở nên mạnh mẽ bằng cách tự làm mình chai sạn đi, hệ thần kinh của họ chỉ đơn giản là được hình thành như vậy. Mỗi người tự kỷ có những điểm khác biệt rất riêng (giống như những người có hệ thần kinh bình thường cũng khác nhau), hãy ghi lại những điểm mà bạn quan sát được:

Thị giác

  • – Kém nhạy cảm: Vật thể nhìn bị tối hoặc mất đi một số đặc điểm, tầm nhìn trọng tâm có thể bị mờ trong khi tầm nhìn ngoại vi lại rõ, vật thể nhìn có thể phóng đại, có thể không nhận thức được chiều sâu không gian.
  • – Quá nhạy cảm: Vật thể và ánh sáng có thể trông như đang chạy nhảy, hình ảnh có thể phân mảnh, dễ tập trung vào chi tiết hơn toàn cảnh, khó ngủ vì nhạy cảm với ánh sáng.

⇒ Hướng hỗ trợ: giảm sử dụng bóng đèn có độ nhấp nháy (chẳng hạn như bóng huỳnh quang), sử dụng kính râm, rèm cản ánh sáng, thiết kế chỗ ngồi học che chắn ánh sáng để giảm phiền nhiễu cho trẻ.

Thính giác

  • – Kém nhạy cảm: Một bên tai có thể bị yếu hoặc không thể nghe, không nhận biết được một số âm thanh, thích làm ồn và thích những nơi ồn ào.

⇒ Hướng hỗ trợ: cho mọi người xung quanh biết về sự khó nghe để dễ giao tiếp hơn, chủ động đáp ứng nhu cầu về nghe của trẻ bằng những hoạt động ưa thích.

  • – Quá nhạy cảm: tiếng động thông thường trở nên rất lớn, âm thanh biến dạng hoặc hỗn độn, nghe được những âm thanh rất nhỏ hoặc những cuộc thoại từ rất xa, khó tập trung khi có âm thanh xung quanh.

⇒ Hướng hỗ trợ: đóng bớt cửa để giảm tiếng ồn, chuẩn bị trước khi đến những nơi ồn ào, sử dụng nút bịt tai hoặc tai nghe chống ồn, thiết kế chỗ ngồi học được che chắn trong lớp.

Khứu giác

  • – Kém nhạy cảm: mất hoặc giảm khứu giác, không ngửi được cả những mùi rất mạnh (bao gồm cả mùi của cơ thể mình), một số ít có thể liếm các đồ vật để nhận diện rõ chúng hơn.

⇒ Hướng hỗ trợ: tập thói quen vệ sinh, tắm rửa, sử dụng những mùi thơm đủ mạnh để trẻ khỏi tìm kiếm mùi hương từ những thứ không tốt (chẳng hạn như phân).

  • – Quá nhạy cảm: các mùi hương có thể rất mãnh liệt và vượt sức chịu đựng, gặp khó khăn khi đi vệ sinh, không thích những người có mùi hương quá mạnh (từ nước hoa, dầu gội, vv…)

⇒ Hướng hỗ trợ: sử dụng xà phòng không mùi, hạn chế dùng nước hoa và giảm thiểu các mùi hương có trong không gian.

Vị giác

  • – Kém nhạy cảm: thích ăn đồ rất cay, có thể ăn hoặc nếm những thứ không ăn được như đất, cát, phân, cỏ, kim loại,…
  • – Quá nhạy cảm: vị của món ăn có thể rất mãnh liệt, vượt sức chịu đựng, hạn chế trong chế độ ăn uống, nhạy cảm với chất liệu của món ăn, chỉ ăn được những món mềm, nhuyễn.

⇒ Hướng hỗ trợ: Một số trẻ tự kỷ chỉ ăn đồ rất nhạt hoặc rất đậm gia vị, nếu bữa ăn của trẻ vẫn đủ đa dạng thì cũng không vấn đề gì. Hãy tìm hiểu thêm về các cách để hỗ trợ trẻ tự kỷ trong ăn uống.

Xúc giác

  • – Kém nhạy cảm: phải nắm rất chặt để cảm thấy được lực nắm, ít cảm thấy đau, không cảm nhận được đồ ăn trong miệng, thích đặt vật nặng đè lên người, thích nhai/cắn mọi thứ, có thể tự làm mình đau.

⇒ Hướng hỗ trợ: cho trẻ chơi nhào nặn với bột mì hoặc rau câu, cho ăn đồ cứng hơn để đáp ứng nhu cầu được nhai.

  • – Quá nhạy cảm: cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu khi bị chạm vào, khó chịu khi chải đầu hoặc gội đầu, chỉ mặc được một số loại vải và quần áo, không thích có gì trên tay, chân.

⇒ Hướng hỗ trợ: không chạm bất ngờ vào trẻ, luôn tiếp cận trẻ từ trước mặt, nhớ rằng cái ôm có thể làm trẻ đau; Cho trẻ làm quen dần dần với các chất liệu và thức ăn khác nhau, để cho trẻ tự chải răng, chải đầu; Cho trẻ được mặc đồ mà trẻ thấy thoải mái, có thể lộn trái lại hoặc tháo bỏ nhãn mác quần áo của trẻ.

Thăng bằng

  • – Kém nhạy cảm: thích đu đưa, xoay, lắc để tìm cảm giác.

⇒ Hướng hỗ trợ: cho trẻ chơi các trò chơi giúp cải thiện tiền đình như ngựa bập bênh, xích đu, chụp banh, tập đi thăng bằng.

  • – Quá nhạy cảm: khó khăn trong kiểm soát chuyển động, trong các trò chơi thể thao, khó dừng ngay một hoạt động, dễ say xe, khó chơi những trò có tư thế đầu nghiêng hoặc đảo ngược.

⇒ Hướng hỗ trợ: chia nhỏ hoạt động ra thành nhiều phần để trẻ dễ kiểm soát hơn.

Cảm giác cơ thể

  • – Kém nhạy cảm: đứng quá gần người khác mà không biết, khó khăn trong việc né các đồ vật, dễ va vào người khác.

⇒ Hướng hỗ trợ: sắp xếp đồ vật vào những góc phòng để tiện di chuyển, sử dụng chăn nặng cho trẻ để tạo cảm giác được đè xuống, sử dụng băng dính màu trên sàn để chỉ rõ ranh giới, dùng quy tắc một cánh tay để giúp trẻ xác định không gian cá nhân.

  • – Quá nhạy cảm: khó làm những việc tỉ mỉ như cột dây giày, xoay cả người mỗi khi cần nhìn vào một nơi khác.

⇒ Hướng hỗ trợ: cho trẻ chơi những trò cần sự tỉ mỉ, chẳng hạn như bảng đan dây (lacing board),… .

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.autism.org.uk/advice-and-guidance/topics/sensory-differences/sensory-differences/all-audiences

Nguồn ảnh: Viktor Hanacek – picjumbo, Senjuti Kundu, Caleb Woods

Để lại bình luận