Các nghiên cứu tâm lý cho thấy điện thoại thông minh ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và thể lý của chúng ta ra sao và đâu là cách để giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chúng ta.
Kirsten Weir March 2017, Vol 48, No. 3, Monitoring on Psychology
Apple giới thiệu iPhone vào năm 2007 và thế giới đã không bao giờ còn như xưa.
Dù iPhone không phải là điện thoại thông minh đầu tiên sử dụng nền tảng internet, công nghệ màn hình cảm biến và các ứng dụng tích hợp đã giúp iPhone chiếm lĩnh thị trường và khởi đầu một cuộc cách mạng. Ngày nay, các thiết bị di động không dây đã xuất hiện trong túi của hàng triệu người, không chỉ có vai trò đơn thuần là một chiếc điện thoại mà còn được sử dụng để lướt internet, nhắn tin, sắp xếp thời gian biểu, quay phim, báo thức, chỉ đường và xem phim.
Năm 2015, theo Pew Research Center, 72% người Mỹ cho biết mình sở hữu một chiếc điện thoại thông minh (Pew, 2016). Chắc chắn, điện thoại thông minh khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Đó là nhận định của TS. Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học tại ĐH British Columbia, chuyên nghiên cứu về tác động tích cực và tiêu cực của công nghệ di động lên sức khoẻ tinh thần và thể lý của con người. “Toàn bộ tri thức nhân loại nằm bên dưới ngón tay của chúng ta, điều đó chắc chắn sẽ rất hữu ích”. Tuy nhiên, cũng có nhiều thứ bị đánh đổi để đem lại sự tiện lợi đó. Công nghệ di động cũng đồng thời có sức mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và hạnh phúc của con người. Bà cho biết. “Trung tâm của chúng tôi vẫn tìm kiếm những lợi ích [của việc sử dụng điện thoaị thông minh], nhưng nhìn chung những bất cập vẫn luôn xuất hiện”.
Tệ nhất, các nghiên cứu cho thấy điện thoại thông minh có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến chúng ta bị căng thẳng và tập trung quá nhiều sự chú ý vào nó. Tuy vậy, tâm lý học có thể nắm giữ chìa khoá trong việc giúp mọi người kiểm soát công nghệ này, phòng tránh những tác hại tiêu cực và tăng cường sức khoẻ tinh thần của chúng ta.
Dunn cho biết, những nhà phát triển công nghệ không làm việc trong các lĩnh vực nâng cao sức khoẻ, đó là công việc của những nhà tâm lý. “Tôi nghĩ chúng tôi nên giành nhiều sự quan tâm hơn đến vấn đề này,”.
Kẻ cắp giấc ngủ
Hiện tại, các nghiên cứu về tác động của việc sử dụng điện thoại thông minh lên hành vi và chức năng của chúng ta vẫn chưa đi tới những kết luận cụ thể, phần lớn là vì tất cả diễn ra quá nhanh, Karla Kelin Murdock, giáo sư tâm lý tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Sức khoẻ tại ĐH Washington và Lee cho biết. “Công nghệ thường xuyên thay đổi. Rất khó để định lượng các mặt quan trọng của việc sử dụng điện thoại thông minh khi những khía cạnh định tính vẫn liên tục thay đổi”, bà cho biết.
Tuy vậy, một số mô hình đang xuất hiện. Một số các bằng chứng vững vàng được nghiên cứu xung quanh giấc ngủ, “Tôi nghĩ rằng chúng ta có một số lượng lớn các nghiên cứu cho rằng không nên sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ”, Murdock cho biết.
Bà đã theo dõi 83 sinh viên đại học trong suốt 1 tuần và nhận thấy các sinh viên hay theo dõi các tin báo trên điện thoại thông minh vào giờ ngủ thường tự đánh giá bản thân có chất lượng giấc ngủ thấp và hay gặp các vấn đề về giấc ngủ (BehavioralSleep Medicine, 2016).
Dù thường được mô tả là các thiết bị giúp nâng cao hiệu xuất làm việc, việc điện thoại thông minh can thiệp vào giấc ngủ lại gây ra những hiệu ứng trái ngược. TS Russell E. Johnson, giáo sư quản lý tại ĐH Bang Michigan, cùng cộng sự đã khảo sát ngừoi lao động thuộc các ngành nghề khác nhau.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, khi sử dụng điện thoại di động vào ban đêm để làm việc, các nghiệm thể cho biết thường ngủ tệ hơn và khó tập trung làm việc vào ngày hôm sau. Những hệ quả trên sẽ lớn hơn ở người sử dụng điện thoại thông minh so với người sử dụng máy tính hay tablet trước khi đi ngủ (Organizational Behavior and Human DecisionProcesses, 2014).
Một giải thích khác của việc điện thoại thông minh ảnh hưởng đến giấc ngủ là “ánh sáng xanh” mà điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác phát ra. Ánh sáng đó có ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone melatonin giúp điều hoà giấc ngủ. Tuy nhiên, laptop và tablet cũng có ánh sáng tương tự. Điều này cho thấy có những yếu tố khác ảnh hưởng đến vấn đề này.
Điện thoại thông minh mang tính “di động” nhiều hơn cả laptop hay tablet, nó cũng rất tiện lợi để mang vào giường ngủ, Murdock nhận xét. Trong thực tế, nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để báo thức và đặt gần tầm với khi đi ngủ. Việc đọc tin nhắn hay email trên giường có thể sẽ làm đảo lộn cảm xúc hay khiến bạn phải trăn trở về những thứ bạn cần phải làm.
“Đầu óc của bạn sẽ bị kích hoạt trong khi đáng nhẽ đó là lúc quan trọng để thư giãn và nghỉ ngơi”
Ngay cả sau khi tắt đèn, cũng rất khó để bạn chống cự lại sức hấp dẫn của chiếc điện thoại. TS K. Adams và TS Tiffani Kissler, thuộc ĐH Rhode Island, đã yêu cầu một số sinh viên đại học ghi lại nhật ký giấc ngủ trong một tuần.
Họ phát hiên 40% sinh viên đứng dậy đi lại vào ban đêm để trả lời điện thoại, 47% thức giấc để trả lời tin nhắn. Các sinh viên hay sử dụng điện thoại sau khi đã đi ngủ thường cho biết bản thân có giấc ngủ kém, đó cũng là yếu tố dự đoán các triệu chứng lo âu và trầm cảm (CyberPsychology, Behavior and Social Networking, 2013).
Hiện tượng FOMO
Lo âu và điện thoại thông minh thường đi đôi với nhau, TS Larry Rosen, giáo sư tâm lý danh dự tại ĐH Bang California State University, cho biết. Ông đã nghiên cứu tâm lý học về công nghệ hơn 35 năm. Trong một nghiên cứu, ông cùng các đồng nghiệp đã giữ điện thoại của các sinh viên đại học trong một tiếng đồng hồ và đo mức độ lo âu của họ vào các thời điểm khác nhau.
Mức độ lo âu ở những người ít sử dụng điện thoại thường không thay đổi, họ cũng thường ngồi yên khi không có điện thoại của mình. Những người có mức sử dụng trung bình bắt đầu cho thấy các dấu hiệu lo âu tăng dần sau 25 phút, tuy nhiên lượng lo âu vẫn ổn định trong suốt thời gian thực nghiệm còn lại. Những người sử dụng điện thoại thường xuyên cho thấy mức lo âu tăng cao chỉ sau 10 phút không có điện thoại. Khác với những người sử dụng trung bình, những người ở mức cao có mức độ lo âu tiếp tục tăng trong suốt 1 tiếng đồng hồ sau đó (Computers inHuman Behavior, 2014).
Rosen nhận thấy rằng thanh thiếu niên thường lo âu nếu họ không kiểm tra tin nhắn, mạng xã hội hay các thiết bị di động thường xuyên. Tuy nhiên, nghiệm thể ở tất cả các độ tuổi đều có mối quan hệ mật thiết với điện thoại. 76% người từ 50-70 tuổi cho biết thường xuyên hay rất thường xuyên kiểm tra hộp thư thoại, 73%thường hay rất thường xuyên kiểm tra tin nhắn (Computers in Human Behavior, 2013).
Tất cả các độ tuổi đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng “FOMO”, fear of missing out- sợ bỏ sót, không cập nhật những thông tin và trải nghiệm mà người khác có vào bất kỳ thời điểm nhất định nào.
Rosen cho biết “Chúng ta đã tạo ra một hệ thống mà trong đó chúng ta cảm thấy bị buộc phải kiểm tra, cập nhật mọi nơi mọi lúc”.
Tuy vậy, việc thường xuyên tiếp xúc với thế giới kĩ thuật số không hẳn là lành mạnh hay hữu ích. Trong cùng nghiên cứu về tần suất con người kiểm tra điện thoại, Rosen cùng cộng sự đã tìm hiểu mối quan hệ giữa những yếu tố liên quan tới công nghệ và một loạt các rối loạn khí sắc và nhân cách khác nhau. Một vài mối liên hệ đã được phát hiện. Một số khá tích cựccó nhiều bạn trên Facebook cộng với việc thường xuyên trò chuyện trên điện thoại có liên hệ với việc ít xuất hiện các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng khá tiêu cực. Ví dụ, việc lo âu do không kiểm tra tin nhắn và Facebook giúp dự đoán các triệu chứng trầm cảm nặng (major depression), trầm cảm kéo dài (dysthymia) và hưng cảm lưỡng cực (bipolarmania).
Dunn cũng nghiên cứu về tác động của việc một người bị buộc liên tục sử dụng điện thoại của mình. Theo hướng tích cực, nghiên cứu cho thấy thay đổi cách chúng ta tương tác với công nghệ có thể giúp cải thiện sức khoẻ.
Trong một nghiên cứu, Dunn cùng cựu nghiên cứu sinh của mình, TS Kostadin Kushlev, đã theo dõi 124 người trưởng thành trong suốt 2 tuần. Trong tuần đầu, nghiệm thể được tự do liên tục kiểm tra email cả ngày. Trong tuần còn lại, họ chỉ được kiểm tra email (cả công việc và cá nhân) ba lần một ngày.
Các nghiệm thể cho biết cảm thấy ít căng thẳng hơn trong tuần việc kiểm tra email bị hạn chế. Mức căng thẳng thấp này được liên hệ với những tác động tích cực như có trạng thái định tâm tốt hơn, có cảm nhận về năng suất làm việc cao hơn và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn (Computers in Human Behavior, 2015).
Trong một nghiên cứu tương tự kéo dài trong hai tuần, Dunn và Kushlev nghiên cứu về các tín hiệu thông báo của điện thoại thông minh-những tiếng tít tít hay tiếng rung khi có tin nhắn, email hay những thông tin cập nhật trên mạng xã hội.
Trong một tuần, các nghiệm thể được yêu cầu giữ điện thoại bên mình và bật tin báo. Trong tuần còn lại, các nghiệm thể sẽ tắt tin báo và để điện thoại xa tầm với. Vào cuối mỗi tuần, những người tham gia sẽ điền một bảng khảo sát đo đạc khả năng chú ý.
Trong tuần bật tin báo, các nghiệm thể cho thấy mức tập trung thấp và mức tăng hoạt động cao so với tuần không bật tin báo (Proceedings of the 2016 CHIConference on Human Factors in Computing Systems, 2016).
Dunn phát hiện, những cảm giác tăng hoạt động và kém tập trung trên liên hệ trực tiếp tới hiệu suất làm việc kém, khả năng nối kết xã hội giảm và sức khoẻ tinh thầnthấp. “Khả năng chú ý bị phân tán bởi những thứ gây gián đoạn thường xuyên có thể gây ra hiệu ứng domino”, bà chia sẻ.
Những mối liên hệ trong thực tế
Không may, việc tắt thông báo điện thoại không dễ thực hiện như trên lý thuyết, đặc biệt trong nền văn hoá FOMO hiện nay. Murdock chỉ ra rằng, sau cùng, việc dùng điện thoại cũng mang lại nhiều phần thưởng. Điện thoại được thiết kế nhiều chức năng để khiến bạn cảm thấy hài lòng khi giữ chúng bên mình. Điện thoại đem lại cảm giác an toàn là bạn có thể tiếp cận bất kỳ thông tin nào bạn cần vào bất kỳ lúcnào. Khi sử dụng điện thoại, bạn thường xuyên sẽ có được những thông tin có giá trị và nối kết với những người bạn quan tâm. “Đó là một tiến trình củng cố hành vi ở mọi cấp độ”, Murdock cho biết.
Các chuyên gia còn quan ngại các yếu tố củng cố hành vi của điện thoại thông minh có thể khiến con người quan tâm đến điện thoại của họ nhiều hơn những sự kiện và con người quan trọng trong cuộc sống. “Công nghệ trở thành một hiện tượng quá hấp dẫn, việc nó khiến chúng ta không ngừng bị chi phối không đáng ngạc nhiên chút nào-tuy nhiên, chúng ta đang dần đánh mất thế giới thực tế”, Rosen cho biết. Những tương tác trong thế giới thực cực kỳ quan trọng đối với giống loài xã hội tính của chúng ta. Dunn cho biết “Các tương tác thật, trực tiếp có liên quan mật thiết đến những ích lợi về cảm xúc”. Trò chuyện qua điện thoại hay truyền hình cũng có những mặt tích cực. Nhưng nếu bạn chỉ đơn thuần lướt Facebook thay vì trò chuyện với người ngồi kế bạn trên một chuyến tàu, hay kiểm tra Instagram thay vì nói chuyện với vợ chồng vào bữa tối, bạn đang đánh mất những lợi ích của việc tương tác thật sự giữa người và người. “Bạn có thể đang đánh mất những cơ hội để có được các liên kết xã hội hay lợi ích về cảm xúc đi kèm.”.
Đa phần thời gian khi sử dụng các thiết bị di động, chúng ta giành cho mạng xã hội. Chúng cho phép chúng ta liên kết với người khác thông qua các nền tảng như Facebook hay Twitter. Tuy nhiên, liên kết kỹ thuật số không hoàn toàn giống như liên kết trong đời thực.
TS Ethan Kross, giáo sư tâm lý học tại ĐH Michigan, đang nghiên cứu về mạng xã hội và wellbeing. Ông nhận thấy rằng nếu con người sử dụng mạng xã hội một cách thụ động – chỉ lướt qua những tin mới trên Facebook, đọc những bài đăng của ngừơi khác, tiêu hoá thông tin- họ sẽ có mức wellbeing khá thấp. “Khi chúng ta sử dụng Facebook một cách thụ động, chúng ta sẽ cảm thấy càng ngày càng tệ đi.”.
Điều này ngược lại so với những người sử dụng chủ động, những người thường xuyên viết và đăng tải thông tin, tham gia vào các cuộc đối thoại hay bình luận trên bài đăng của người khác. Việc sử dụng chủ động có vẻ không gây nguy hại cho cảm giác hạnh phúc chủ quan, ông cho biết. Tuy vậy, các nghiên cứu hiện tại vẫn đang tranh cãi giữa việc liệu sử dụng chủ động có thật sự làm tăng wellbeing hay chỉ đơn thuần là một yếu tố trung tính. Kross đã mô tả điều này trong một bài tường thuật khác (Social Issues and Policy Review, in press).
Theo Kross, khác biệt nằm ở chỗ việc đơn thuần chỉ tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội sẽ khiến cho chúng ta có xu hướng so sánh, hành động dẫn tới cảm giác đố kỵ. Tham gia chủ động vào mạng xã hội, mặt khác, có vẻ làm tăng cảm giác nối kết xã hội.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mạng xã hội và wellbeing về cảm xúc rất phức tạp. Chúng không phải lúc nào cũng nằm gọn ghẽ trong các hành vi ngoài đời thực.
Ví dụ, Kross cho biết, nghiên cứu cho thấy những người trầm cảm thường ít nhận được sự hỗ trợ từ các mạng lưới xã hội thực tế, họ cũng thường hay nhìn nhận rất chính xác rằng bản thân đang thiếu vắng sự trợ giúp.
Tuy nhiên ông cùng TS Jiyoung Park thuộc ĐH Massachusettes và các cộng sự đã chứng minh rằng trong thế giới ảo, những người có trầm cảm thường nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè trên Facebook nhiều hơn những người không có trầm cảm.
Dù vậy, họ lại hay tin rằng mình ít nhận được sự trợ giúp từ những mối quan hệ trên mạng hơn là các mối quan hệ ngoài đời (Journal of Affective Disorders, 2016).
Phát hiện này tạo cơ sở cho các can thiệp có thể giúp thân chủ tranh thủ những hỗ trợ khả dĩ trên mạng xã hội, Kross nhận định. “Tôi lạc quan tin rằng các mạng xã hội có thể được tận dụng để làm tăng wellbeing.”.
Giành lại quyền kiểm soát
Như vậy, sử dụng điện thoại thông minh chưa chắc là tiêu cực hoàn toàn. Điện thoại thông minh có thể làm tăng cảm giác thuộc về và gần gũi với bè bạn. Ví dụ, TS KateMagsamen-Conrad tại ĐH Bowling Green State University cùng các cộng sự nhận thấy trong số những người có xu hướng giữ kín cuộc sống riêng và thông tin cá nhân, công nghệ có thể giúp họ thúc đẩy các mối quan hệ liên cá nhân và làm tăng mức wellbeing tổng thể. (Computers in Human Behavior, 2014).
Tuy nhiên, trong công nghệ, cũng như nhiều thứ khác, sử dụng điều độ rất quan trọng. “Quan trọng là tranh thủ những lợi ích tối ưu từ công nghệ nhưng đồng thời đảm bảo rằng nó không kiểm soát bạn”, Rosen cho biết. “Đã đến lúc chúng ta giành lại quyền kiểm soát”.
Quyền kiểm soát đến từ nhiều phía khác nhau. Chúng ta có thể bắt đầu từng bước nhỏ để giảm thiểu những tác hại của việc sử dụng điện thoại thông minh (Xem ”Seven ways to overhaul your smartphone use.”). Đồng thời, các nhà tâm lý cũng có thể đóng vai trò quan trọng, bằng việc nghiên cứu cũng như đem lại những hỗ trợ chuyên môn cho các thân chủ có khó khăn trong việc ngắt kết nối với điện thoại. […]
Dunn cũng hi vọng rằng các nhà phát triển công nghệ cũng có thể có các tiếp cận hỗ trợ sự chủ động cho người sử dụng, ví dụ như tạo ra các chương trình giúp việc kiểm soát các loại tin báo và thời gian xuất hiện tin báo trở nên dễ dàng hơn. Bà còn nghĩ đến các cảm biến giúp xác định thời gian một người đang ăn tối hay chơi đùa với con cái, từ đó ngăn các tin báo về những cập nhật mới trên mạng xã hội hay các thông tin không phù hợp vào thời điểm trên. “Chúng ta không tiến hoá để bị các tin báo nhồi nhét liên tục. Với điện thoại thông minh, chúng ta đã thay đổi tất cả cách thức chúng ta thực hiện mọi việc suốt tám năm qua”, Dunn chia sẻ.
Tâm lý học có thể giúp cải thiện công nghệ, bà nhận xét – các công ty công nghệ đã bắt đầu gửi những nhà đại diện đến dự các hội thảo về tâm lý để học hỏi từ các nghiên cứu. “Các doanh nghiệp đang lắng nghe và chúng ta cần lên tiếng.”.
Xem thêm tại:
Do Online Social Network Sites Make Us Happy? A Critical Review Verduyn, P., Ybarra, O., Jonides, J., & Kross, E. Social Issues and Policy Review, in press.
The Distracted Mind: Ancient Brains in a High-Tech World Gazzaley, A., & Rosen, L.D. MIT Press, 2016.
Is Facebook Creating “iDisorders”? The Link Between Clinical Symptoms of Psychiatric Disorders and Technology Use, Attitudes and Rosen, L.D., Whaling, K., Rab, S., Carrier, L.M., & Cheever, N.A. Computers in Human Behavior, 2013.
Saigon Psychub dịch và tổng hợp từ:
http://www.apa.org/monitor/2017/03/cover-disconnected.aspx