Sức khỏe tinh thần của giáo viên

Tháng 11: Sức khỏe tinh thần của giáo

Khủng hoảng sức khỏe tinh thần đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong xã hội, ảnh hưởng đến người dân ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau. Giáo viên cũng không nằm ngoài tình trạng này, sự gia tăng áp lực học tập cho học sinh, cùng với những thách thức trong hệ thống giáo dục, đã dẫn đến việc nhiều giáo viên phải đối mặt với những lo ngại về sức khỏe tâm thần của chính họ.

Giáo viên nổi tiếng với sự tận tâm và niềm đam mê trong nghề nghiệp. Tuy nhiên, những yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao đặt ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ. Các yếu tố như khối lượng công việc nặng nề, áp lực hành chính, hành vi của học sinh và yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn học thuật đã tạo ra môi trường có nguy cơ dẫn đến kiệt sức, lo âu, trầm cảm và căng thẳng mãn tính.

Ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn được kỳ vọng thực hiện nhiều vai trò khác nhau, như một người tư vấn, người hướng dẫn và người chăm sóc. Họ thường dành thời gian và năng lượng để hỗ trợ sức khỏe tâm lý của học sinh, trong khi lại không chú ý đến bản thân. Sự bỏ quên bản thân, cùng với căng thẳng kéo dài, cảm giác kiệt sức và thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, có thể dẫn đến cảm giác quá tải, thất vọng và thậm chí mất đi niềm đam mê với nghề. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ. Năm 2016, hơn 270.000 giáo viên đã rời bỏ nghề mỗi năm, và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục đến năm 2026, theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ.

Đây không phải là một vấn đề mới mẻ so với nhiều ngành nghề khác, giáo viên báo cáo gặp phải mức độ căng thẳng và vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn đáng kể. Một nghiên cứu của Liên đoàn Giáo viên Hoa Kỳ cho thấy 21% giáo viên cho rằng sức khỏe tâm thần của họ không tốt trong ít nhất 11 ngày trong 30 ngày qua, con số này cao hơn nhiều so với dưới 10% người dân nói chung có cùng tình trạng sức khỏe trong khoảng thời gian đó.

Giáo viên có thể làm gì để ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình?

Dưới đây là bốn cách mà giáo viên có thể chủ động bảo vệ sức khỏe tâm thần và ngăn ngừa kiệt sức:

  1. Tổ chức công việc: Giáo viên nên chuẩn bị lớp học và kế hoạch giảng dạy trước khi năm học bắt đầu. Việc này giúp họ xây dựng các chiến lược để giữ cho công việc được ngăn nắp, giảm bớt căng thẳng và lo âu.
  2. Thực hành chăm sóc bản thân: Nên chú trọng đến việc tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Chăm sóc bản thân là cần thiết để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần. Những thói quen nhỏ như uống đủ nước và dành thời gian để giãn cơ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
  3. Tìm kiếm sự hỗ trợ: Giáo viên nên chủ động liên hệ với đồng nghiệp, bạn bè hoặc gia đình khi cảm thấy quá tải hoặc căng thẳng. Sự kết nối xã hội là rất quan trọng, vì cảm giác cô đơn hoặc thiếu hỗ trợ có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
  4. Đặt ranh giới: Cần bảo vệ thời gian riêng của bản thân bằng cách xác định rõ khoảng thời gian không làm việc. Việc này giúp duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Các nghiên cứu cho thấy giáo viên thường dành khoảng 1.913 giờ mỗi năm cho việc giảng dạy. Trong khi đó, một nhân viên toàn thời gian trung bình làm việc khoảng 1.932 giờ trong 48 tuần. Tuy nhiên, giáo viên thường hoàn thành gần như số giờ này trước khi tham gia các hoạt động khác như tư vấn học sinh, lãnh đạo các tổ chức sinh viên và huấn luyện thể thao. Những hoạt động ngoài giờ này có thể khiến giáo viên cảm thấy công việc đang xâm lấn vào thời gian riêng, dẫn đến mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, từ đó góp phần vào tình trạng kiệt sức và giảm sút sức khỏe tâm thần.

Hơn nữa, tình trạng vắng mặt kéo dài đã gia tăng ở cả học sinh và giáo viên. Nhiều trường học đang yêu cầu giáo viên làm thêm công việc, như dạy thay các lớp khi giáo viên khác nghỉ hoặc từ bỏ thời gian nghỉ của mình.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng tinh thần của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học sinh và bầu không khí lớp học. Nếu giáo viên bị trầm cảm hoặc không khỏe về mặt cảm xúc và thể chất, họ có thể nghỉ hưu sớm hoặc rời bỏ nghề. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và hệ miễn dịch.

Trường học có thể làm gì để làm giảm tình trạng kiệt sức ở giáo viên?

Để giảm thiểu những yếu tố dẫn đến tình trạng kiệt sức và sức khỏe tâm thần kém, các trường học cần thực hiện những biện pháp chủ động ngay từ đầu năm học. Dưới đây là một số chiến lược có thể áp dụng:

  1. Xây dựng văn hóa hỗ trợ: Tạo dựng một môi trường làm việc coi trọng sức khỏe tâm thần của giáo viên, nhân viên và học sinh. Khuyến khích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giao tiếp cởi mở, và cung cấp các nguồn lực để quản lý căng thẳng.
  2. Cung cấp đào tạo và phát triển chuyên môn: Tổ chức các chương trình đào tạo tập trung vào việc giảm căng thẳng, xây dựng khả năng phục hồi và chiến lược chăm sóc bản thân. Đào tạo giáo viên nhận diện dấu hiệu và triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tâm thần ở bản thân và học sinh.
  3. Đảm bảo tài nguyên và quản lý khối lượng công việc hợp lý: Cung cấp đầy đủ tài nguyên và công cụ cho giáo viên nhằm giúp họ quản lý công việc hiệu quả. Thiết lập các kỳ vọng hợp lý và giảm bớt gánh nặng hành chính để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.
  4. Khuyến khích sự hỗ trợ và hợp tác: Tạo điều kiện cho giáo viên hình thành các mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau. Tạo các kênh để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm lời khuyên và hỗ trợ nhau, từ đó giảm cảm giác cô đơn. Khuyến khích giao tiếp cởi mở để xây dựng không gian an toàn cho việc chia sẻ.
  5. Công nhận thành tích và đóng góp của giáo viên: Định kỳ công nhận và đánh giá cao những nỗ lực của giáo viên và nhân viên. Tôn vinh thành tựu của họ và ghi nhận những đóng góp để tạo ra bầu không khí tích cực và hỗ trợ.

Việc ưu tiên sức khỏe tâm thần của giáo viên rất quan trọng để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả. Giáo viên và nhân viên trường học có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của học sinh, do đó, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ sức khỏe tâm thần là ưu tiên hàng đầu của mỗi cộng đồng.

Dịch từ nguồn: https://www.parinc.com/learning-center/par-blog/detail/content-hub/2024/05/17/prioritizing-teachers’-mental-health

Nguồn ảnh: Dân trí, pixabay

Để lại bình luận