HẠNH PHÚC TRONG CÔNG VIỆC:
ĐIỀU GÌ ĐEM LẠI CẢM GIÁC Ý NGHĨA VÀ GẮN KẾT?
Khi một ngày làm việc kết thúc, đôi khi ta tự hỏi: “Mình có thực sự hài lòng với công việc mình đang làm không?” Đó không chỉ là câu hỏi của những người đang hoài nghi về sự nghiệp, mà là câu hỏi quan trọng đối với tất cả chúng ta – những người dành hơn một phần ba cuộc đời nơi công sở.
Nguồn ảnh: Getty Image
Trong môi trường doanh nghiệp ngày nay, khái niệm “hạnh phúc tại nơi làm việc” không còn là một khái niệm xa xỉ. Trái lại, nó trở thành yếu tố chiến lược để xây dựng đội ngũ gắn bó, sáng tạo và phát triển bền vững. Nhưng hạnh phúc ấy thực sự bắt nguồn từ đâu?
Nhiều người mặc định rằng mức lương cao, văn phòng đẹp hay chức danh hấp dẫn sẽ mang lại sự hài lòng. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Harvard Business Review (2021) đã chỉ ra rằng: hạnh phúc trong công việc không nhất thiết tỷ lệ thuận với mức thu nhập hay vị trí cấp bậc. Thay vào đó, ba yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến cảm giác hài lòng tại nơi làm việc gồm: mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp, sự công nhận và hỗ trợ từ quản lý, và cảm giác công việc mình làm có ý nghĩa.
Nguồn ảnh: Getty Image
Báo cáo State of the Global Workplace (2022) của Gallup cho biết: chỉ 21% nhân viên toàn cầu cảm thấy “thực sự gắn bó” với nơi làm việc của mình. Một con số khiêm tốn, nhưng mang nhiều ý nghĩa. Nhân viên gắn bó cao là những người cảm thấy được lắng nghe, được trao quyền và có cơ hội phát triển mỗi ngày. Họ không nhất thiết phải ở trong những công ty lớn, mà thường là ở nơi mà tiếng nói cá nhân được coi trọng. Một trong những khái niệm quan trọng để lý giải hạnh phúc trong công việc đến từ nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Amy Wrzesniewski và Jane Dutton (2001), với khái niệm “job crafting” – hay còn gọi là “thiết kế lại công việc”.
“Chúng ta không cần một công việc hoàn hảo. Điều ta cần là một công việc cho ta cảm giác có ý nghĩa –
dù chỉ là trong vài khoảnh khắc mỗi ngày.”
Nguồn ảnh: Getty Images
Theo đó, nhân viên không phải là người thụ động nhận việc và hoàn thành theo mô tả. Ngược lại, họ có thể chủ động điều chỉnh cách làm việc, mối quan hệ trong công việc, hoặc góc nhìn về công việc để tăng sự phù hợp với giá trị và năng lực cá nhân. Ví dụ, một nhân viên hành chính có thể thấy công việc lặp lại hàng ngày. Nhưng nếu họ nhìn nhận mình là “người tạo điều kiện cho cả văn phòng vận hành trơn tru”, công việc ấy lập tức có ý nghĩa hơn. Hoặc một kỹ sư có thể chủ động đề xuất cải tiến quy trình thay vì chỉ làm theo, từ đó tạo cảm giác tự chủ và sáng tạo.
Những người chủ động “craft” công việc của mình – theo nghiên cứu – thường có mức độ hài lòng, năng lượng tích cực và hiệu suất cao hơn. Họ không đợi tổ chức thay đổi để thấy hạnh phúc, mà biết cách tạo ra sự kết nối từ chính vai trò hiện tại. Một trong những quan điểm sâu sắc đến từ The School of Life: “Chúng ta không cần một công việc hoàn hảo. Điều ta cần là một công việc cho ta cảm giác có ý nghĩa – dù chỉ là trong vài khoảnh khắc mỗi ngày.Hạnh phúc, khi nhìn từ góc độ này, không còn là điểm đến cố định mà là quá trình trải nghiệm. Đó là khi ta cảm thấy: mình đang học được điều gì mới, mình đang đóng góp vào điều gì đó có ích, mình được là chính mình trong công việc.
Nguồn ảnh: Getty Images
Không ai có thể “trao” hạnh phúc cho người khác. Nhưng tổ chức có thể tạo điều kiện để nhân viên tìm thấy hạnh phúc ấy, bằng cách: khuyến khích đối thoại và sự công nhận; trao quyền để nhân viên chủ động cải tiến công việc; xây dựng môi trường an toàn tâm lý, nơi nhân viên được là chính mình; cung cấp các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần và phát triển cá nhân.
Hạnh phúc trong công việc không đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, mà là năng lực sống và làm việc cần được xây dựng, rèn luyện và duy trì. Nó đến từ sự lựa chọn mỗi ngày: chọn kết nối, chọn phát triển, chọn nhìn thấy giá trị trong điều nhỏ nhất.
Biên tập và chuyển ngữ: Tố Như
Tài liệu tham khảo
- Harvard Business Review (2021). What makes us happy at work?
- Gallup (2022). State of the Global Workplace Report.
- Wrzesniewski, A., & Dutton, J. E. (2001). Crafting a job: Revisioning employees as active crafters of their work. Academy of Management Review, 26(2), 179–201.
- The School of Life. Emotional Education & The Meaning of Work.