Nghịch Lý Của Sự Gần Gũi: Tại Sao Chúng Ta Thường Làm Tổn Thương Những Người Thân Yêu Hơn?
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng “Tại sao chúng ta thường dễ bộc lộ cơn giận với người thân hơn là những người xa lạ?”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm câu trả lời cho vấn đề này khi nghiên cứu về Sự hung hăng/Tính gây hấn (Aggression) trong gần 30 năm qua cho thấy chúng ta có xu hướng thể hiện sự hung hăng nhiều nhất với người thân, người quen thuộc gần mình hơn là người lạ.
Hung hăng/Gây hấn được định nghĩa là hành vi có ý định gây hại, gây tổn thương cho ai đó. Nếu sự hung hăng đó được diễn ra hằng ngày (everyday aggression), chúng ta có thể vô tình gây tổn thương đến những người thân yêu – những người đáng nhận được sự thấu hiểu và tử tế nhất từ chúng ta, mà không nghĩ đến hậu quả kéo theo sau đó.
Hành vi hung hăng không chỉ đơn giản là những trận la hét, cãi vả trực tiếp (direct aggression) mà những hành động như “chiến tranh lạnh” cũng được xem là một cách để gián tiếp thể hiện sự gây hấn (indirect aggression) đối với người khác.
Lý do cho hành vi dễ dàng hung hăng với người thân yêu có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu và thảo luận về nguyên nhân tâm lý đằng sau hành vi này qua bài viết nhé!
Cảm Giác Thoải Mái Dễ Chịu Của Sự Thân Mật
Nghiên cứu cho thấy sự quen thuộc quá mức có thể gia tăng sự căng thẳng và dẫn đến hành vi gây hấn.
Sự thân mật (Intimacy) trong các mối quan hệ mang đến cho chúng ta cảm giác thoải mái (Comfort) và an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến cho chúng ta mất cảnh giác và thiếu đi sự thận trọng cần thiết.
Khi ở bên cạnh những người thân yêu, chúng ta có xu hướng bộc lộ cảm xúc và hành vi một cách tự nhiên hơn và ít có chọn lọc. Từ đó có thể dẫn đến những lời nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ hơn (Poulin và cs., 2019).
Bên cạnh đó, việc chúng ta tiếp xúc lâu dài với thói quen và hành vi của người khác cũng có thể dẫn đến sự nhàm chán và thậm chí khó chịu. Sự quen thuộc này có thể khiến ta coi thường những điều nhỏ nhặt và dễ dàng bị kích động bởi những hành động mà trước đây chúng ta bỏ qua. Nghiên cứu cho thấy sự quen thuộc quá mức có thể gia tăng sự căng thẳng và dẫn đến hành vi gây hấn (Smith và cs., 2014).
An Toàn Cảm Xúc Và Hệ Quả Ít Được Biết Đến
An toàn cảm xúc khiến chúng ta dễ dàng bộc lộ những cảm xúc tiêu cực hướng đến người thân yêu mà chúng ta tin rằng dù có việc gì đi chăng nữa thì họ sẽ luôn ở bên cạnh và tha thứ cho mình.
Cảm giác an toàn về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ thân thiết có thể khiến chúng ta lơ là và thiếu tôn trọng họ. Chúng ta có xu hướng “ỷ lại” vào sự thấu hiểu và kiên nhẫn của những người thân thương, dẫn đến việc lơ là và thiếu đi sự quan tâm cần thiết (Brummitt & Spitzberg, 2018) để duy trì lành mạnh các mối quan hệ.
Tuy nhiên, sự an toàn này cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nó khiến chúng ta dễ dàng bộc lộ những cảm xúc tiêu cực như tức giận, thất vọng và khó chịu, hướng đến những người thân yêu mà chúng ta tin rằng dù có việc gì đi chăng nữa thì họ sẽ luôn ở bên cạnh và tha thứ cho mình.
Một cơ chế tâm lý phổ biến mà chúng ta thường bắt gặp chính là Chuyển di (Displacement), khiến chúng ta trút bỏ những cảm xúc và sự căng thẳng bắt nguồn từ phía bên ngoài lên người thân, dẫn đến những hành vi hung hăng và lời nói thiếu kiềm chế ngày càng tăng (Baron & Lepper, 2006).
Một mẹo nhỏ để tránh sự chuyển di cảm xúc lên người thân chính là: Sau một ngày làm việc căng thẳng, nếu bạn cảm thấy bực bội với sếp hoặc đồng nghiệp, thay vì về nhà trút giận lên vợ/chồng hoặc con cái, bạn có thể cân nhắc việc xem một bộ phim hài hước hoặc nghỉ ngơi sớm để giải tỏa căng thẳng và lấy lại tinh thần nhé.
Ảnh Hưởng Của Kỳ Vọng
Trong các mối quan hệ thân thiết, đặc biệt là gia đình, chúng ta thường có xu hướng đặt ra những kỳ vọng cho nhau, và các kỳ vọng này thường lớn hơn kỳ vọng ta dành cho “người ngoài”.
Một người con mong đợi cha mẹ luôn phải thấu hiểu và ủng hộ mình vô điều kiện, thì khi cha mẹ anh ta có những quan điểm và giá trị khác, anh sẽ dễ cảm thấy thất vọng và tức giận vì kỳ vọng này không được đáp ứng – trong khi thực tế anh sẽ thấy dễ chấp nhận hơn nếu một ai đó ít thân thiết hơn có khác quan điểm với mình.
Việc những kỳ vọng này không được đáp ứng có thể khiến chúng ta thất vọng và bực bội. Và nếu khoảng cách giữa mong muốn và thực tế ngày càng lớn, điều này còn có thể tạo ra những mâu thuẫn và căng thẳng lớn hơn, góp phần dẫn đến những bất đồng và hành vi gấy hấn với nhau (Gershoff & Graham-Bermann, 2015).
Stress Và Sự Lan Tỏa Của Stress
Nghiên cứu cho thấy người đang sress sẽ có nhiều khả năng tức giận với người thân hơn, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất.
Ngoài những lý do được nêu trên, stress cũng là một yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến hành vi hung hăng trong các mối quan hệ thân cận.
Khi gặp căng thẳng từ công việc, học tập hoặc các vấn đề khác trong cuộc sống, tất nhiên ta có xu hướng trở nên dễ cáu gắt và bực bội hơn. Thay vì giải bày những nỗi lòng của bản thân với đồng nghiệp – một người mà bạn không chắc rằng họ sẽ thấu hiểu mình và không phán xét những cảm xúc tiêu cực hay không, thì sự căng thẳng của bản thân hoàn toàn có thể được vô thức “chuyển di” (vừa được nhắc đến trong Phần 2) sang đối tượng “an toàn” hơn là người thân yêu, mà chúng ta không hề hay biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy rõ vấn đề này khi những người đang gặp căng thẳng sẽ có nhiều khả năng tức giận với người thân của họ hơn, ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất. Điều này có thể hiểu được vì khi gặp căng thẳng, chúng ta có thể bị giảm khả năng điều tiết những cảm xúc và khiến chúng ta dễ có những phản ứng bốc đồng hơn rất nhiều (Anderson và cs., 2004).
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI KHÔNG MONG MUỐN CỦA BẢN THÂN VÀ GIAO TIẾP HIỆU QUẢ HƠN VỚI NGƯỜI THÂN?
Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể tham khảo để nâng cao nhận thức và xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn:
- Nhìn lại những hành vi của bản thân: Hãy dành thời gian để suy ngẫm về hành vi của bản thân trong các mối quan hệ thân thiết. Bạn có thường xuyên cáu gắt hoặc hung hăng với những người thân? Bạn có bao giờ cảm thấy thoải mái khi tức giận với họ? Việc nhận thức được những lời nói và hành động trước nay của mình chính là bước đầu tiên để thay đổi.
- Giao tiếp cởi mở và trung thực: Chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của bạn một cách cởi mở và trung thực với người thân thương. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lắng nghe họ. Giao tiếp hiệu quả là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn và xây dựng lòng tin tưởng đối với nhau.
- Tôn trọng và thấu hiểu: Hãy luôn tôn trọng những người thân yêu của bạn, ngay cả khi bạn không đồng ý với họ. Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người đối diện và thấu hiểu cảm xúc của họ. Tôn trọng quan điểm và sự khác biệt của nhau là nền tảng cho một mối quan hệ lành mạnh.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp: Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát hành vi hung hăng hoặc giao tiếp hiệu quả với những người thân yêu, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ những chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp bạn xây dựng những kỹ năng cần thiết để kết nối với những người thân hiệu quả hơn.
Bạn hãy nhớ rằng bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều cần sự vun đắp và nỗ lực từ cả hai phía. Bằng cách dành sự quan tâm và thời gian để học cách đối xử với những người thân yêu một cách tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu, bạn có thể xây dựng những mối quan hệ này bền chặt và lành mạnh hơn. Từ đó có thể mang lại hạnh phúc và những điều tích cực cho cả bản thân và những người xung quanh nhé.
Tổng hợp và chuyển ngữ: Bảo Nhi
- Association For Psychological Science. (2014, June 19). Everyday Aggression: We Hurt Those Closest to Us. https://www.psychologicalscience.org/publications/observer/obsonline/everyday-aggression-we-hurt-those-closest-to-us.html
- Kalia, S. (2021, December 18). The Science Behind Why People Are Unkind To Those They Love. The Swaddle. https://www.theswaddle.com/the-science-behind-why-people-are-unkind-to-those-they-love
- Richardson, D. S. (2014). Everyday aggression takes many forms. Current Directions in Psychological Science, 23(3), 220-224. https://doi.org/10.1177/0963721414530143
Nguồn ảnh: Canva