Quản lý tiền bạc như thế nào?
Thông tin từ Stress in America Survey mới đây của APA cho rằng tiền bạc và kinh tế là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng stress hiện nay chắc hẳn không làm nhiều người bất ngờ. Dù là trả nợ ngân hàng, mua sắm nhu yếu phẩm hay là tiết kiệm tiền thì chúng ta cũng phải tiêu tốn rất nhiều công sức để đưa ra các quyết định về tài chính. Những quyết định trện, dù lớn hay nhỏ, đều đòi hỏi sự hiện diện của ý chí.
Ý chí cũng giống như cơ bắp, có thể trở nên mỏi mệt (xem bài “Làm cách nào để nâng cao ý chí nhằm đạt đến mục tiêu?”). Khi bạn sử dụng ý chí quá mức, nó sẽ dần mất đi sức mạnh. Những nghiên cứu gần đây cho thấy những người “cạn” ý chí thường dễ tiêu nhiều tiền hơn để mua sắm. Nghiên cứu cho rằng, ý chí thấp sẽ làm sụt giảm khả năng kiểm soát chi tiêu.
Những người thường xuyên phải đối mặt với các quyết định khó khăn về tài chính, ví dụ như những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường hay sử dụng hết ý chí của mình. Một nghiên cứu chứng minh rằng những người “ít tiền” khi đi mua sắm thường phải sử dụng ý chí nhiều hơn những người “nhiều tiền” vì họ phải ra những quyết định chi tiêu thường xuyên và khó khăn hơn. Đồng thời, họ cũng là những người ăn và uống nhiều hơn trong lúc mua sắm. Vì vậy, xem ra việc tập trung ý chí vào quyết định chi tiêu có thể “rút” cạn ý chí từ những khu vực khác.
Nghiên cứu cho thấy một số chiến lược sau đây có thể giúp xây dựng khả năng tự kiểm soát khi chi tiêu và tiết kiệm:
• Mỗi lần chỉ đưa ra một quyết định. Nghiên cứu cho thấy ý chí rất mau cạn kiệt nếu chúng ta phải đối mặt với nhiều quyết định liên tiếp đòi hỏi sự có mặt của sức mạnh tinh thần. Hãy kéo giãn thời gian quyết định những vấn đề về tiền bạc thay vì đưa ra quá nhiều lựa chọn cùng lúc làm bạn “quá tải.”
• Theo dõi chi tiêu của bạn. Nghiên cứu cho thấy theo dõi chi tiêu có thể là một công cụ rất hữu ích. Mỗi ngày hãy ghi lại những khoản tiền bạn đã sử dụng.
• Tiết kiệm tự động. Hãy lập những tài khoản ngân hàng hay đầu tư lấy tiền tự động từ thu nhập hàng tháng của bạn. Điều này sẽ giúp bạn “tiết kiệm” lượng ý chí sử dụng để quyết định xem hàng tháng nên tiết kiệm hay tiêu xài. Hãy sử dụng những tài khoản yêu cầu bạn phải đợi một khoản thời gian hay đạt được một mục tiêu nào đó mới được rút tiền, nghiên cứu cho thấy cách này rất “hiệu nghiệm” trong việc giúp bạn có được một khoản tiết kiệm kha khá.
• Né tránh cám dỗ. Tránh xa các cửa hàng hay khu mua sắm có thể giúp bạn quản lý chi tiêu dễ dàng hơn. Hãy lựa chọn một hoạt động khác thay thế việc mua sắm. Tránh những cơ hội tạo điều kiện cho việc mua sắm “bất chợt” bằng cách để thẻ tín dụng ở nhà và chỉ mang một lượng tiền giới hạn vừa đủ để chi tiêu trong mức cho phép.
• Nhờ sự hỗ trợ. Nghiên cứu cho thấy một hệ thống hỗ trợ có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu của mình. Hãy tìm những người bạn tin tưởng rằng họ sẽ ủng hộ các mục tiêu tài chính của bạn và sẵn sàng giúp bạn thành công.
Tâm lý gia có thể giúp gì cho bạn
Nếu bạn cần trợ giúp để xây dựng ý chí, hãy đến tham vấn với các nhà tâm lý hay những nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần khác. Họ có thể giúp bạn xác định khu vực vấn đề và phát triển kế hoạch hành động để thay đổi.
Cảm ơn các tâm lý gia đã hỗ trợ thực hiện bài viết này: TS Lynn Bufka, và TS Mary Gresham.
Saigon Psychub dịch và tổng hợp từ:
http://www.apa.org/helpcenter/willpower-finances.aspx
Ashraf, N., Karlan, D., & Yin, W. Tying Odysseys to the Mast: Evidence from a Commitment Savings Product in the Philippines. (2006). The Quarterly Journal of Economics, 121(2), 635-672. doi: 10.1162/qjec.2006.121.2.635.
Spears, D. (2011). Economic Decision-Making in Poverty Depletes Behavioral Control. The B.E. Journal of Economic Analysis & Policy, 11(1).
Vohs, K.D., & Faber, R. (2007). Spent Resources: Self‐Regulatory Resource Availability Affects Impulse Buying. Journal of Consumer Research, 33(4), 537-547. doi: 10.1086/510228.
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ American Psychological Association (và nguồn dịch là Saigon Psychub). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của APA http://www.apa.org/helpcenter/willpower-finances.aspx và đường dẫn bài dịch https://psychub.vn/kienthuc/y-chi-va-cach-thuc-quan-ly-chi-tieu/. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của APA và thông báo cho người dịch.