Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ công bố, thất nghiệp có thể làm thay đổi những tính cách căn bản của con người, khiến chúng ta trở nên ít tận tâm, ít dễ chịu và kém cởi mở hơn trước. Điều này sẽ khiến việc tìm công việc mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Theo TS Christopher J. Boyce thuộc ĐH Stirling, Hoa Kỳ, “Kết quả thách thức ý tưởng cho rằng nhân cách của chúng ta là ‘bất di bất dịch’, đồng thời cho thấy những tác động của các nhân tố bên ngoài như thất nghiệp ảnh hưởng đến nhân cách cơ bản của chúng ta ra sao. Nó cho thấy thất nghiệp có những tác động về mặt tâm lý sâu rộng hơn những gì ta vẫn nghĩ.”
Boyce cùng các cộng sự đã nghiên cứu trên 6769 người trưởng thành tại Đức (3733 đàn ông và 3036 phụ nữ) thông qua một trắc nghiệp nhân cách được thực hiện 2 lần trong vòng 4 năm, từ 2006 -2009. Trong nhóm mẫu dân số, có 210 nghiệm thể bị thất nghiệp từ 1 đến 4 năm vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian nghiên cứu; 251 nghiệm thể khác bị thất nghiệp it hơn 1 năm nhưng sau đó tiếp tục làm việc trở lại.
Các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu các đặc điểm nhân cách “Big Five” – bao gồm các yếu tố:
- sự tận tâm (conscientiousness),
- tâm lý bất ổn (neuroticism),
- tính dễ chịu (agreeableness),
- hướng ngoại (extraversion)
- và tính cởi mở (openness).
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, so sánh với nam giới không bị mất việc, nam giới mất việc thường tăng tính dễ chịu trong 2 năm đầu bị thất nghiệp. Tuy nhiên sau hai năm, mức độ dễ chịu của họ bắt đầu suy giảm và về lâu dài, tụt xuống thấp hơn những người không bị mất việc. Đối với nữ giới, tính dễ chịu sẽ suy giảm theo mỗi năm bị thất nghiệp.
“Trong giai đoạn đầu tiên bị thất nghiệp, cá nhân thường có xu hướng hành xử theo kiểu dễ chịu nhằm nỗ lực tìm kiếm công việc khác hay xoa dịu những người xung quanh. Tuy nhiên những năm sau đó, khi tình huống trở nên quen thuộc, xu hướng này có thể bị suy yếu.”
Đối với yếu tố tận tâm, nam giới thất nghiệp càng lâu thì điểm số yếu tố này giảm bớt càng nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố này cũng gắng với mức độ cá nhân hài lòng với thu nhập của mình. Khi so sánh về giới, nữ giới thường trở nên tận tâm vào các giai đoạn đầu và cuối thời gian thất nghiệp, tuy nhiên lại sụt giảm vào giai đoạn giữa. Các nhà nghiên cứu đưa ra lý thuyết cho rằng phụ nữ có thể vẫn tích lũy sự tận tâm thông qua những hoạt động không liên quan đến công việc gắn liền với giới nữ, ví dụ như chăm sóc gia đình.
Nam giới thất nghiệp thường cho thấy mức độ cởi mở ổn định trong năm đầu tiên, tuy nhiên điểm số sẽ giảm dần theo thời gian không có công việc. Ngược lại, phụ nữ cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong tính cởi mở trong năm thứ hai và thứ ba bị thất nghiệp, tuy nhiên điểm số sẽ gia tăng vào năm thứ tư.
Boyce cho biết, nghiên cứu cho rằng tác động của thất nghiệp không chỉ đơn giản là lo lắng về mặt kinh tế – người thất nghiệp có thể bị đánh giá sai lầm vì những thay đổi không thể tránh được về nhân cách, điều này có nguy cơ đào sâu những khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới.
“Vì vậy, các chính sách công có vai trò then chốt trong việc phòng tránh những thay đổi tiêu cực về nhân cách trong xã hội thông qua làm giảm tỉ lệ thất nghiệp và cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho những người không có công việc. Như thế, các chính sách giảm thiểu thất nghiệp đóng vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ nền kinh té mà còn trong công tác hỗ trợ sự phát triển nhân cách tích cực của mỗi cá nhân.”
Bài báo: “Personality Change Following Unemployment,” by Christopher J. Boyce, PhD, and Alex M. Wood, PhD, University of Stirling and University of Manchester; Michael Daly, PhD, University of Stirling; and Constantine Sedikides, PhD, University of Southampton, Journal of Applied Psychology; online, Feb. 9, 2015.
Link full nghiên cứu:
http://www.apa.org/pubs/journals/releases/apl-a0038647.pdf