Một hướng dẫn ngắn cho người mới sử dụng dịch vụ tham vấn-trị liệu tâm lý
Các rối loạn tâm thần đôi khi có liên hệ đến cảm giác xấu hổ ngượng ngùng. Những người cần hỗ trợ thường thấy mình bị cô lập về mặt xã hội. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn và nhận trách nhiệm về những thay đổi trong cuộc sống của mình luôn là một bước đi can đảm và quan trọng, vì sức khỏe tinh thần của bạn cũng quan trọng như sức khỏe thể chất.
Nhà tham vấn sẽ nhận ra được các dạng vấn đề tâm lý bất kỳ và hiểu được những hệ lụy từ những vấn đề đó. Toàn bộ các giai đoạn của tiến trình tham vấn đều mang tính khích lệ, sự ấm áp và tính hỗ trợ, cũng như nó có tính mục tiêu, chuyên nghiệp và không phán xét. Mọi thông tin được thảo luận trong quá trình trị liệu đều được bảo mật. Tham vấn tâm lý có mang lại hiệu quả, và hỗ trợ, giải tỏa trong các cơn khủng hoảng tâm lý.
Tiến trình tham vấn có thể được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn ban đầu phục vụ cho việc cung cấp thông tin tổng quan về các khía cạnh mà bạn cần hỗ trợ. Trong buổi tham vấn đầu tiên, hầu hết các tham vấn viên sẽ cần bạn mô tả về những điều bạn đang phải đối mặt và cố gắng hiểu được quan điểm của bạn về các vấn đề cùng những mục tiêu mà bạn hướng đến. Đôi khi, các vấn đề không thể được giải quyết chỉ với các chiến lược ứng phó hiện có. Tuy nhiên, các kỹ năng và điểm mạnh của bạn cũng được xem xét, vì chúng đã giúp bạn làm chủ cuộc sống của mình và đối mặt với những thách thức từ trước đến nay. Mối quan hệ bền vững giữa nhà tham vấn và thân chủ luôn được chú trọng trong giai đoạn này, bởi nó góp phần quan trọng đến hiệu quả trị liệu.
Tìm thấy sự nhất trí trong mục tiêu, phương pháp, lịch trình và nỗ lực thay đổi là điều quan trọng ở giai đoạn làm việc với vấn đề. Việc diễn giải quá sớm và đưa ra các giải pháp thiển cận hiếm khi xảy ra bởi các vấn đề mà thân chủ gặp phải hầu như không bao giờ được giải quyết dễ dàng. Thay đổi diễn ra thông qua các quan điểm mới về những điều mà thân chủ đã biết. Đôi khi chúng giúp thay đổi chỉ ở cấp độ nhận thức, đôi khi là một hành vi mới hoặc cách tương tác với những người khác được thay đổi khác đi. Phương thức thực hiện thay đổi luôn được đồng thuận trong khi tham vấn và trong các bước tiếp theo và cơ sở của các phương thức đó cần được giải thích rõ ràng cho thân chủ. Các mục tiêu đã đề ra được dùng để đánh giá thường xuyên những điểm đã đạt được và những điều cần tiếp tục làm việc.
Giai đoạn sau cùng trong quá trình trị liệu là rất cần thiết để tối ưu hóa kết quả trị liệu, an toàn chuyển giao các chiến lược ứng phó mới trở thành các chiến lược tự thân của thân chủ. Thảo luận về những thách thức sắp tới và các tình huống tiềm ẩn nguy cơ có thể ngăn ngừa sự tái lặp hành vi cũ và giúp thân chủ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Thông tin tác giả:
Tác giả Anna zum Eschenhoff nhận bằng Thạc sĩ Khoa học Tâm lý chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý học sức khỏe tại Đại học Free Berlin. Cô có kinh nghiệm trong lĩnh vực trị liệu hành vi cho trẻ em (2013) và người lớn có rối loạn nhân cách ranh giới (2015). Năm 2016 đến 2020, cô làm việc với bệnh nhân ngoại trú tại Berlin. Từ năm 2021, cô làm trợ lý nghiên cứu tại Hiệp hội Trị liệu Hành vi (Gesellschaft für Verhaltenstherapie, GfVT – cơ sở Hannover).