“Bồi Hồi Trống Trải” Sau Chuyến Đi Chơi Dài Ngày
Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý báu để cả gia đình từ lớn đến nhỏ có thể dành thời gian tận hưởng những chuyến du lịch cùng nhau. Tuy nhiên, sau những kỳ nghỉ đó, bạn có bao giờ cảm thấy tiếc nuối và chán nản vì phải quay lại cuộc sống thường ngày của mình?
Hội chứng Nỗi buồn sau kỳ nghỉ (Post-Vacation Blues/ Post-Vacation Syndrome/ Post-Holiday Blues/ Holiday Syndrome) là một thuật ngữ được sử dụng từ thập niên 50.
Mặc dù không phải là một hội chứng hay bệnh lý chính thức, nhưng các triệu chứng của nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của người lao động, bao gồm các mối quan hệ cá nhân và hiệu suất làm việc (Bretones, 2017).
Lo âu mơ hồ, dễ cáu kỉnh, cảm giác hoài niệm, cảm giác khó chịu chung và gặp vấn đề về giấc ngủ là những triệu chứng phổ biến ở nhiều nhân viên sau khi kỳ nghỉ kết thúc (Bretones, 2017).
Những triệu chứng này không phải là một bệnh lý nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc trong hai tuần đầu tiên sau khi trở lại, và cũng ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của người lao động.
Vì Sao Chúng Ta Lại Cảm Thấy Như Vậy?
Kỳ nghỉ có thể giúp chúng ta “tạm thoát” khỏi những căng thẳng hàng ngày, cho phép bản thân có cơ hội để thư giãn, phục hồi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, cũng như kết nối lại với chính mình.
Thiếu sự thư giãn có thể gây ra những tác động tiêu cực, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ như Karoshi – hiện tượng làm việc quá sức dẫn đến tử vong ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, “cuộc vui nào thì cũng chóng tàn”, quá trình chuyển đổi để trở lại thói quen hằng ngày của chúng ta có thể khó để khiến chúng ta thích nghi và cân bằng lại. Dưới đây là một số lý do có thể giải thích vì sao chúng ta lại gặp khó khăn:
Adrenaline Giảm Đột Ngột: Một nguyên nhân có thể lý giải là sự giảm sút đột ngột của hormone căng thẳng sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng Eileen Kennedy-Moore, sự suy giảm đột ngột này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Hiệu Ứng Tương Phản: Não bộ phải điều chỉnh giữa sự phấn khích của kỳ nghỉ và thói quen hàng ngày. Điều này có thể khiến nhận thức của chúng ta bị sai lệch. Hiệu ứng này làm cho việc quay trở lại cuộc sống bình thường có thể trở nên tẻ nhạt và khó khăn hơn.
Ảo Tưởng Về Một Trải Nghiệm Tốt Hơn: Theo Tiến sĩ Melissa Weinberg (chuyên gia về Tâm lý học Sức khoẻ), não bộ đánh lừa chúng ta rằng kỳ nghỉ đã diễn ra tốt đẹp hơn thực tế. Trong bối cảnh đang tận hưởng một kỳ nghỉ, bộ não được lập trình để khiến chúng ta tin rằng bản thân đã hoặc sẽ tận hưởng kỳ nghỉ này. Điều này có thể khiến chúng ta trải qua cảm xúc thất vọng khi quay trở lại cuộc sống thường ngày, bất kể kỳ nghỉ đó có thực sự thú vị hay không.
Kiệt Sức Về Cảm Xúc: Trong kỳ nghỉ, việc quản lý các mối quan hệ và đối mặt với những tình huống căng thẳng có thể làm chúng ta kiệt sức về cảm xúc. Việc cố gắng giả vờ hạnh phúc và giữ bình tĩnh có thể dẫn đến sự mệt mỏi tinh thần, góp phần vào cảm giác buồn bã sau khi kỳ nghỉ kết thúc.
“Nuông Chiều” Bản Thân Quá Mức Trong Chế Độ Ăn Uống: Chế độ ăn uống nhiều đường và tiêu thụ cồn trong kỳ nghỉ có thể ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của chúng ta. Cả hai hành động trên được nghiên cứu chứng minh là có liên quan đến trầm cảm, khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn sau kỳ nghỉ.
Vì vậy, có cách nào để chúng ta có thể giảm ảnh hưởng của hội chứng này hay không?
Duy Trì Tính Nhất Quán Trong Sinh Hoạt
Một trong những lý do chính khiến chúng ta trải qua sự căng thẳng trở lại sau kỳ nghỉ là sự gián đoạn đột ngột trong thói quen của bản thân. Cơ thể và tâm trí của chúng ta phát triển dựa trên sự nhất quán, vì vậy, điều quan trọng là thiết lập một thói quen hàng ngày bao gồm các thực hành tự chăm sóc (self-care).
Bạn có thể ưu tiên các hoạt động như tập thể dục, thiền định hoặc sở thích mang lại niềm vui và giúp bạn thư giãn. Bằng cách duy trì một thói quen nhất quán, bạn có thể kéo dài lợi ích của kỳ nghỉ và tạo ra một lối sống yên bình hơn.
Đặt Ra Giới Hạn Để Cân Bằng Công Việc Và Cuộc Sống
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, chúng ta rất dễ cảm thấy “quá tải” trước những thông báo liên tục từ điện thoại và máy tính.
Vì vậy, hãy học cách đặt ra giới hạn cho bản thân bằng việc ngắt kết nối với công nghệ. Bạn có thể duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và đời sống, chẳng hạn như thiết lập một thời gian cụ thể để ngắt kết nối khỏi mạng xã hội hoặc các email từ công việc, cho phép bản thân được thư giãn hoàn toàn.
Việc đặt ra giới hạn có thể giúp bạn tạo không gian chỉ dành cho thư giãn và ngăn chặn sự xâm nhập của những yếu tố kích hoạt sự căng thẳng vào cuộc sống cá nhân của chính mình.
Tạo Thói Quen Sau Kỳ Nghỉ
Thay vì vội vàng lao vào cuộc sống như trước sau kỳ nghỉ, hãy cho phép bản thân một khoảng thời gian để dần quay lại các thói quen thường ngày.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách từ từ tiếp nhận lại các công việc và nhiệm vụ khi làm việc. Chẳng hạn như chia nhỏ việc kiểm tra email ra từng phần trong ngày thay vì xử lý tất cả ngay lập tức.
Việc sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên và dành thời gian nghỉ ngơi giữa giờ làm có thể giúp bản thân dần thích nghi lại với nhịp sống cũ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, hãy thử áp dụng những thói quen tích cực từ kỳ nghỉ vào cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn thường đi dạo buổi sáng trong kỳ nghỉ, bạn có thể tiếp tục duy trì thói quen này. Nếu bạn yêu thích một món ăn đặc sản nào đó trong kỳ nghỉ, bạn có thể thử nấu lại món ăn đó vào cuối tuần để gợi nhớ lại những kỷ niệm vui vẻ.
Việc kết hợp những yếu tố tích cực từ kỳ nghỉ sẽ có thể hỗ trợ bạn giảm căng thẳng và duy trì cảm giác yên bình cho bản thân.
Chúng ta không thể tránh khỏi việc phải thích nghi lại với cuộc sống hằng ngày và tiếp nhận những nhu cầu từ công việc lẫn học tập sau kỳ nghỉ.
Hãy nhớ rằng việc chăm sóc bản thân không chỉ giới hạn trong kỳ nghỉ mà cần thực hiện liên tục để có một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Đồng thời hãy kiên nhẫn với bản thân và tập trung vào sự tiến bộ thay vì sự hoàn hảo.
Tổng hợp và chuyển ngữ: Bảo Nhi
Ahuja, N. (2023). Vacation Blues: Why Post-Holiday Relaxation Vanishes Quickly. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/striving-high/202306/vacation-blues-why-post-holiday-relaxation-vanishes-quickly
Bretones, F. D. (2017). Facing the post-holiday blues. Safety Management.
MacCarthy, L. (2017). Understanding Post-Holiday Depression and Blues. HealthCentral. https://www.healthcentral.com/condition/depression/post-holiday-depression
Spiegel, J. (2010). Post-Vacation Blues. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/mind-tapas/201003/post-vacation-blues