TÂM LÝ HỌC CỦA SỰ BUÔNG BỎ: HỌC CÁCH KHÉP LẠI QUÁ KHỨ VÀ SẴN SÀNG CHO KHỞI ĐẦU MỚI

 TÂM LÝ HỌC CỦA SỰ BUÔNG BỎ: HỌC CÁCH KHÉP LẠI QUÁ KHỨ VÀ SẴN SÀNG CHO KHỞI ĐẦU MỚI

Cuối năm là thời điểm mà nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy áp lực với những công việc chưa hoàn thành, những mục tiêu chưa đạt được và sự gia tăng của các trách nhiệm trong công việc lẫn đời sống

Nguồn ảnh: Getty Images

 Mọi thứ dường như đều đổ dồn vào cuối năm, từ hoàn thành báo cáo, chuẩn bị cho năm mới hay dành thời gian cho những người thân thương và chăm sóc bản thân.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm lý tưởng để nhìn lại năm cũ và chuẩn bị cho những điều mới mẻ phía trước. Để vượt qua mùa cuối năm một cách nhẹ nhàng, chúng ta cần phải cân bằng giữa công việc, sức khỏe tinh thần và việc chăm sóc bản thân

“Trong tâm lý học, Buông bỏ (Letting go) có mối liên hệ với các khái niệm như sự chấp nhận, sự tha thứ,
lòng biết ơn, lòng tự trắc ẩn và tính linh hoạt trong tâm lý.”

Nghệ thuật của sự buông bỏ

Buông bỏ là một hành trình không dễ dàng nhưng nó có thể giải phóng chúng ta khỏi những gánh nặng cảm xúc đã mang theo quá lâu, cho dù đó là một ký ức đau buồn, một mối quan hệ không lành mạnh hay những kỳ vọng không thực tế về bản thân.

Buông bỏ không chỉ là một hành động mà nó còn là một nghệ thuật và kỹ năng cần rèn luyện. Học cách buông bỏ có thể là bước đầu tiên giúp chúng ta khép lại năm cũ với sự nhẹ nhàng, thảnh thơi và sẵn sàng đón nhận những khởi đầu mới. 

Việc tiếp tục nghĩ về những cơ hội đã qua hoặc những mục tiêu chưa hoàn thành được trong năm hiện tại sẽ chỉ khiến chúng ta thêm căng thẳng và ngăn cản bản thân tiến về phía trước.

Thay vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách chấp nhận rằng có những điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Người Nhật thường có một câu nói rất hay mỗi khi gặp phải một điều không suôn sẻ: Shouganai” (しょうがない).

Shouganai là một từ tiếng Nhật có thể được hiểu nôm na là “không thể giúp được gì” hoặc “không thể làm gì được” (Kaizen, 2022).

Nguồn ảnh: Getty Images

Shouganai không phải để bày tỏ nỗi bất bình mà nó nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự chấp nhận, giải phóng tâm trí khỏi những áp lực không đáng có, và tìm sự bình yên từ việc chấp nhận thực tại (Kaizen, 2022).

Một cách hiệu quả để buông bỏ những điều không may xảy ra là viết ra những điều bạn cảm thấy tiếc nuối và tự hỏi: “Mình đã học được gì từ những trải nghiệm này?” hay “Điều này có thực sự đáng để mình tiếp tục lo lắng không?”. 

Bằng cách biến những thất bại đã qua thành bài học, chúng ta không chỉ buông bỏ được mà còn biến những trải nghiệm đó thành động lực để cải thiện bản thân trong tương lai.

Song song với việc từ bỏ những điều tiêu cực, đừng quên ghi nhận những thành tựu, niềm vui và sự trưởng thành của bản thân trong năm qua. Chúng ta có thể thử viết một lá thư cảm ơn chính mình vì đã vượt qua những khó khăn và ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc. Điều này có thể giúp bạn khép lại năm cũ trong một tâm thế tích cực và sẵn sàng mở lòng cho những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.

Nguồn ảnh: Valeriia Sviridova

Ghi nhận những trải nghiệm đã qua và những điều tích cực trong năm cũ có thể sẽ giúp bạn giải toả cảm xúc và tạo không gian cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Tại sao buông bỏ lại không dễ dàng?

Con người chúng ta vốn dĩ được lập trình để ghi nhớ những trải nghiệm tiêu cực nhằm tránh bị tổn thương một lần nữa. Việc tha thứ hay buông bỏ dường như đi ngược lại bản năng bảo vệ bản thân. Chúng ta thường giữ chặt những cảm xúc đau khổ như thể đang ôm một hòn đá nặng trĩu mà không biết cách đặt xuống (Cohen, 2023).

Thiền sư Ajahn Chah từng chia sẻ trong cuốn sách Food for the Heart (2007): “Mang theo những tổn thương giống như vác một hòn đá nặng suốt đời mình. Chúng ta mệt mỏi và kiệt sức nhưng lại sợ buông nó xuống. Chúng ta buông tay chỉ khi nào không còn đủ sức. Và khi đó, có lẽ ta mới nhận ra sự nhẹ nhõm và bình an thực sự.”.

 

Buông bỏ không phải là từ bỏ

Một hiểu lầm phổ biến là sự buông bỏ đồng nghĩa với việc chúng ta đang phủ nhận hoặc chối bỏ những gì đã xảy ra. Tuy nhiên trên thực tế, buông bỏ không có nghĩa là quên đi hay tha thứ vô điều kiện.

 

Nguồn ảnh: Getty Images

Buông bỏ là sự chấp nhận những gì đã xảy ra nhưng không để nó tiếp tục kiểm soát tâm trí
hay cuộc sống của chính mình (Cohen, 2023).

Buông bỏ là một hành trình đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc và chủ động trong việc thấu hiểu bản thân. Trước tiên, hãy nhận diện những cảm xúc đang níu giữ bạn – đó có thể là sự giận dữ, nỗi đau hay cảm giác oán trách – và nhận ra rằng những cảm xúc này không còn mang lại giá trị tích cực nào trong cuộc sống của bạn. 

Tiếp theo, thay vì cố gắng thay đổi những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, hãy chuyển đổi góc nhìn để tập trung vào những gì bạn có thể làm chủ, như cách bạn phản ứng và kể lại câu chuyện của mình theo một cách nhẹ nhàng hơn. 

Đồng thời, hãy trau dồi khả năng nhận thức bản thân bằng cách hiểu rõ lý do đằng sau những cảm xúc và hành động của chính mình. 

Nguồn ảnh: RyanKing999

Điều này không chỉ giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt, giải phóng tâm trí khỏi những tiêu cực mà còn tạo không gian cho sự bình an và hạnh phúc nội tại.

Làm thế nào để có thể học cách buông bỏ?

  1. Chấp nhận và đối diện với cảm xúc. Hãy bắt đầu bằng cách chấp nhận cảm xúc của mình thay vì trốn tránh chúng. Buông bỏ không có nghĩa là từ chối hay phủ nhận những gì đã xảy ra mà là thừa nhận chúng, dù chúng đau đớn hay khó chịu. Đây là bước đầu tiên để lấy lại sự cân bằng trong tâm hồn.
  2. Học cách tha thứ. Tha thứ không phải để biện minh cho những gì người khác đã làm, mà là để giải phóng bạn khỏi cảm giác oán hận và đau khổ. Tha thứ không thay đổi quá khứ, nhưng nó cho bạn cơ hội để không bị quá khứ kiểm soát hiện tại.
  3. Chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát mọi thứ. Một trong những điều khó nhất để buông bỏ là nhận ra rằng bạn không thể kiểm soát tất cả mọi thứ. Hãy tập trung vào những gì bạn có thể thay đổi, ví dụ như phản ứng và thái độ của bạn, thay vì cố gắng kiểm soát những điều đã qua.
  4. Tự hỏi bản thân: “Tôi học được gì từ điều này?”. Thay vì bị mắc kẹt trong những tổn thương, hãy thử nhìn chúng như cơ hội để phát triển. Những khó khăn và thất bại có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, cải thiện kỹ năng đối mặt với thách thức, và tìm thấy sức mạnh nội tại mà bạn không nghĩ rằng mình có.
  5. Tạo khoảng cách với những yếu tố tiêu cực. Nếu một người, một môi trường, hoặc thậm chí một suy nghĩ đang làm bạn tổn thương, hãy cân nhắc đặt ra một ranh giới hoặc giữ khoảng cách với những điều không mong muốn đó. Bạn không thể tiến về phía trước nếu vẫn bị mắc kẹt với những nguồn năng lượng tiêu cực.
  6. Nhờ đến sự hỗ trợ khi cần thiết. Buông bỏ không phải là hành trình đơn độc. Hãy tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý để có thêm nguồn lực và góc nhìn tích cực. Sự hỗ trợ từ người khác có thể là chìa khóa giúp bạn vượt qua những khó khăn.
  7. Thực hành lòng biết ơn. Thay vì tập trung vào những gì bạn mất, hãy dành thời gian để biết ơn những gì bạn đang có. Điều này không chỉ giúp bạn thay đổi góc nhìn mà còn làm dịu đi những cảm xúc tiêu cực, mở đường cho sự tích cực và hy vọng trong tương lai.

Nguồn ảnh: Getty Images

Buông bỏ là một hành trình không dễ dàng nhưng có thể sẽ hoàn toàn xứng đáng. Điều này không chỉ giúp chúng ta giải phóng tâm trí khỏi những đau khổ mà còn tạo không gian cho sự bình an, niềm vui và những cơ hội mới trong cuộc sống, đặc biệt là trong năm mới.

Biên tập và chuyển ngữ: Bảo Nhi

  1. Cohen, I. S. (2023). Deciding to Let Go. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/your-emotional-meter/202306/deciding-to-let-go
  2. Kaizen. (2022). Văn hóa Shouganai – Học cách chấp nhận để sống đời an yên. Kaizen. https://kaizen.vn/vuon-uom-nhan-tai/chi-tiet/6637.van-hoa-shouganai-hoc-cach-chap-nhan-de-song-doi-an-yen.html#:~:text=Shouganai%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20t%E1%BB%AB%20ti%E1%BA%BFng,trong%20v%C4%83n%20h%C3%B3a%20Nh%E1%BA%ADt%20B%E1%BA%A3n.
  3. Lindberg, S. (2023). How to Let Go of Things from the Past. Healthline. https://www.healthline.com/health/how-to-let-go
  4. Schaffner, A. K. (2024). How to Let Go & Why It’s So Important for Wellbeing. Positive Psychology. https://positivepsychology.com/how-to-let-go/#:~:text=In%20psychological%20terms%2C%20letting%20go,and%20our%20general%20psychological%20wellbeing.

Để lại bình luận