Đã đến lúc chúng ta cần ưu tiên sức khoẻ tinh thần tại nơi làm việc

ĐÃ ĐẾN LÚC CHÚNG TA CẦN ƯU TIÊN SỨC KHOẺ TINH THẦN TẠI NƠI LÀM VIỆC

Hãy cùng hưởng ứng ngày Sức khoẻ Tinh Thần Thế giới (World Mental Health Day – 10/10). Đây là lúc cần nhắc nhở nhau về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần (SKTT) trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là tại nơi làm việc, nơi mà chúng ta dành phần lớn thời gian mỗi ngày.

Trong bối cảnh công việc đầy thách thức và áp lực hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận vai trò thiết yếu của sức khoẻ tinh thần. Nhân viên có sức khoẻ tinh thần ổn định có thể duy trì sức khoẻ tổng thể, sự hạnh phúc cá nhân và sự hài lòng trong công việc.

TẢI VỀ BỘ TÀI LIỆU CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TINH THẦN TẠI NƠI LÀM VIỆC TẠI ĐÂY

Nguồn ảnh: Prathan Chorruangsak

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng năng suất, thu hút những nhân sự tiềm năng, mà còn có thể đạt được thành công lâu dài và phát triển bền vững hơn (Krekel và cs., 2019).

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (World Health Organization – WHO), sức khỏe tinh thần kém tại nơi làm việc đã gây thiệt hại lên tới 1 nghìn tỷ đô mỗi năm do năng suất nhân viên giảm và tỷ lệ nghỉ việc cao (WHO, 2024).

Tất cả các nghiên cứu và khảo sát nhân sự lớn trong 10 năm trở lại đây đều cho thấy việc đầu tư vào sức khỏe tinh thần cho nhân viên không chỉ là một quyết định thông minh mà còn là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp nâng cao năng suất, giữ chân nhân sự và phát triển lâu dài.

Chủ đề của ngày SKTT Thế giới năm nay “Đã Đến Lúc Ưu Tiên Sức Khỏe Tinh Thần Tại Nơi Làm Việc (It is Time to Prioritize Mental Health in the Workplace)” đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: làm thế nào để doanh nghiệp và nhân viên có thể cùng chung tay tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh hơn?

Dưới đây là một số gợi ý và góc nhìn để cải thiện sức khỏe tinh thần nhân viên, xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.

Nỗ lực từ doanh nghiệp

Nguồn ảnh: Pexels

Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là nỗ lực từ chính mỗi cá nhân nhân viên để cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và hạnh phúc.

Một trong những bước quan trọng mà các doanh nghiệp có thể thực hiện nhưng không nhiều nơi có (đặc biệt tại Viêt Nam) là triển khai các chương trình hỗ trợ tinh thần cho nhân viên, chẳng hạn như Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (Employee Assistance Program – EAP).

Chương trình này cung cấp các dịch vụ tư vấn nhiều khía cạnh trong cuộc sống (như: tài chính, công việc, chăm sóc sức khoẻ) và hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp, giúp nhân viên đối phó với các vấn đề lo âu, căng thẳng hay trầm cảm.

Một nghiên cứu trên hơn 24.000 trường hợp từ 28 quốc gia đã đánh giá tác động của chương trình EAP đối với kết quả làm việc (Attridge và cs., 2018). Kết quả cho thấy, dịch vụ EAP mang lại hiệu quả trong việc nâng cao năng suất, giảm căng thẳng và cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống của nhân viên, bất kể bối cảnh làm việc hay đặc điểm nhân khẩu học.

Điều này đã khẳng định được giá trị và tầm quan trọng của dịch vụ hỗ trợ nhân viên tại nơi làm việc. Nếu công ty của bạn đang sẵn có dịch vụ này: XIN CHÚC MỪNG!

Nguồn ảnh: Getty Images

Tại Việt Nam, mặc dù chương trình EAP chưa được phổ biến rộng rãi nhưng một số công ty tiên phong đã áp dụng và mang lại lợi ích thực sự, hỗ trợ nhân viên cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc.

Cải thiện điều kiện làm việc cũng là một gợi ý quan trọng, dù không dễ dàng. Một trong những biện pháp hiệu quả  có thể kể đến là cho phép nhân viên làm việc với giờ giấc linh hoạt hơn. Một số nghiên cứu cho thấy điều này có thể giúp giảm tỷ lệ nghỉ việc, giảm tình trạng kiệt sức (burnout) và căng thẳng ở nhân viên, và thậm chí còn tăng sự hài lòng trong công việc của họ (Moen và cs., 2011; Moen và cs. 2016).

Nguồn ảnh: Pexels

Những thay đổi trong hình thức làm việc có thể hỗ trợ doanh nghiệp góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần của nhân viên lẫn nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nỗ lực từ nhân viên

Chăm sóc sức khỏe tinh thần không chỉ dựa trên mỗi sự nỗ lực từ doanh nghiệp mà còn cần sự chủ động từ chính mỗi cá nhân nhân viên.

Sự kết hợp giữa các chương trình hỗ trợ từ doanh nghiệp, sự hưởng ứng và chủ động của nhân viên và ý thức tự chăm sóc bản thân sẽ tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, nơi mà mỗi nhân viên đều cảm thấy hạnh phúc và được lắng nghe hơn.

Hưởng ứng: Nhân viên nên chủ động chia sẻ các nhu cầu phát triển nhận thức về SKTT cho bộ phận L&D hoặc HR và tận dụng tối đa các phúc lợi từ chương trình EAP sẵn có. Việc chủ động của nhân viên (nhất là khi để lại thêm feedback) sẽ là nguồn thông tin vô cùng quý giá để công ty nắm bắt nhu cầu và hỗ trợ kịp thời.

Nguồn ảnh: Eliza Alves

Không chỉ dừng lại ở những nỗ lực của doanh nghiệp, mỗi nhân viên cũng được khuyến khích chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.

Chăm sóc bản thân (Self-care):  Những thói quen đơn giản như tập yoga, thiền định, đi bộ hoặc tham gia các hoạt động giải trí đều được khuyến khích để giúp giảm căng thẳng và tái tạo năng lượng sau giờ làm việc.

Nguồn ảnh: Odua Images

Việc duy trì các hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện tâm trạng tổng thể và các triệu chứng trầm cảm ở mọi lứa tuổi (Mahindru và cs., 2023).

Một kỹ năng quan trọng khác mà mỗi nhân viên được khuyến khích trang bị chính là kỹ năng quản lý căng thẳng. Quản lý căng thẳng hiệu quả không chỉ có khả năng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn tạo thói quen làm việc bền vững và hiệu quả hơn.

Để duy trì trạng thái tinh thần tích cực và cân bằng công việc – đời sống cá nhân, các cá nhân nên xây dựng kế hoạch phân chia công việc hợp lý, tránh dồn quá nhiều áp lực vào một thời điểm và học cách từ chối những lời mời gọi không cần thiết khác.

Nguồn ảnh: Getty Images

Việc áp dụng các kỹ thuật như phương pháp “Pomodoro” – làm việc tập trung trong 25 phút và nghỉ trong 5 phút – có thể giúp tối ưu hóa năng suất và nâng cao hiệu quả công việc (Zahariades, 2015).

Ai trong chúng ta cũng đều phải đối mặt với những thử thách và áp lực trong cuộc sống. Vì vậy, việc phát triển các chiến lược đối phó với căng thẳng là rất cần thiết. Mỗi cá nhân có thể bắt đầu bằng cách ghi nhận và phân loại các tác nhân gây căng thẳng. Từ đó xử lý từng vấn đề theo từng bước một cách có hệ thống.

Nguồn ảnh: Getty Images

Các phương pháp như “Thiền chánh niệm (Mindfulness meditation)” hoặc các kỹ thuật hít thở sâu (ví dụ: “4-7-8 Breathing technique”) cũng là những phương pháp có thể hỗ trợ giảm bớt lo lắng và tăng cường khả năng tập trung.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần có thể là chìa khóa để doanh nghiệp và nhân viên cùng nhau phát triển. Khi tất cả chung tay xây dựng một môi trường làm việc nơi căng thẳng được quản lý hiệu quả và mỗi nhân viên đều được lắng nghe, hỗ trợ, chúng ta sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và lâu dài.

Tổng hợp và chuyển ngữ: Bảo Nhi

  1. Attridge, M., Sharar, D. A., DeLapp, G. P., & Veder, B. (2018). EAP works: Global results from 24,363 counseling cases with pre-post data on the Workplace Outcome Suite (WOS). International Journal of Health & Productivity, 10(2), 7–27. http://hdl.handle.net/10713/8962
  2. Gotter, A., & Byrd, C. (2024). What Is the 4-7-8 Breathing Technique?. Healthline. https://www.healthline.com/health/4-7-8-breathing#how-to-do-it
  3. Krekel, C., Ward, G., & De Neve, JE. (2019). Employee Wellbeing, Productivity, and Firm Performance. CEP Discussion Paper 1605. https://doi.org/10.2139/ssrn.3356581
  4. Mahindru, A., Patil, P., & Agrawal, V. (2023). Role of Physical Activity on Mental Health and Well-Being: A Review. Cureus, 15(1), e33475. https://doi.org/10.7759/cureus.33475
  5. Moen, P., Kelly, E. L., & Hill, R. (2011). Does Enhancing Work-Time Control and Flexibility Reduce Turnover? A Naturally Occurring Experiment. Social Problems, 58(1), 69–98. https://doi.org/10.1525/sp.2011.58.1.69
  6. Moen, P., Kelly, E. L., Fan, W., Lee, S. R., Almeida, D., Kossek, E. E., & Buxton, O. M. (2016). Does a Flexibility/Support Organizational Initiative Improve High-Tech Employees’ Wellbeing? Evidence from the Work, Family, and Health Network. American Sociological Review, 81(1), 134–164. https://doi.org/10.1177/0003122415622391
  7. World Federation for Mental Health. (2024). Announcing 2024 World Mental Health Theme: “It is time to Prioritize Mental Health in the Workplace”. WFMH. https://wfmh.global/news/2024.24-04-17_wmhd2024-theme
  8. World Health Organization. (2024). Mental health at work. WHO. https://www.who.int//news-room/fact-sheets/detail/mental-health-at-work/?gad_source=1&gclid=CjwKCAjwooq3BhB3EiwAYqYoEjT9iG9D4bx_KC3uD-moPNKdTUn477aXJ6nt3FxoOIwGdIDWVLVPmRoClRYQAvD_BwE
  9. World Health Organization. (2024). World Mental Health Day 2024. WHO. https://www.who.int/campaigns/world-mental-health-day/2024
  10. Zahariades, D. (2015). The Pomodoro technique: A 10-step action plan for increasing your productivity (1st electronic ed.). Kindle Edition purchased from Amazon.com.

Để lại bình luận