Cha Mẹ Dùng Điện Thoại Ảnh Hưởng Đến Trí Thông Minh Cảm Xúc Của Trẻ Ra Sao?
Khi nói đến việc nuôi dạy con cái trong thời đại kỹ thuật số, một trong những chủ đề thường được bàn luận sôi nổi là: nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử đến mức nào? Truyền thông đã làm rất tốt việc nêu rõ tác hại cho sự phát triển của trẻ khi chúng được cho sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi chính cha mẹ mới là người “dán mắt” vào điện thoại trước mặt con trẻ? Nghiên cứu đã cho thấy rằng hành động tưởng chừng như vô hại này lại có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển trí thông minh cảm xúc của con (Nabi & Wolfers, 2022).
TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC
Trí Thông Minh Cảm Xúc (EI) là khả năng nhận biết và hiểu về những cảm xúc của bản thân và người khác, đồng thời, là khả năng sử dụng chính nhận thức này để quản lý hành vi của chính mình và các mối quan hệ (Travis Bradberry).
Nói đơn giản, EI giống như một bộ kỹ năng tinh thần giúp bạn hiểu, nhận ra, quản lý cảm xúc của chính mình và thấu hiểu hơn với người khác.
Nghiên cứu cho thấy, ngay từ khi sinh ra, mỗi người đã có sẵn một mức độ nhất định của trí tuệ cảm xúc.
Tuy nhiên, Giáo sư Robin Nabi thuộc Đại học California Santa Barbara chia sẻ rằng, một số cá nhân có thể rất giỏi nhận biết những thay đổi tinh tế trong cảm xúc của bản thân và người khác trong khi một số khác lại có thể gặp khó khăn trong việc này. Cũng như vậy, một số người sẽ có khả năng kiểm soát tốt cảm xúc, chẳng hạn như lo lắng hay tức giận, nhưng với nhiều người khác quản lý cảm xúc của mình là thách thức không hề đơn giản.
Điều đáng mừng là EI có thể được học hỏi, rèn luyện và phát triển theo thời gian dựa trên các thực hành tương tác xã hội.
Nghiên cứu cho thấy những người có trí thông minh cảm xúc phát triển tốt thường có sức khoẻ tổng thể tốt hơn, có các mối quan hệ cá nhân vui vẻ hơn và có xu hướng cảm thấy hài lòng hơn trong công việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung (Doǧru, 2022; Hartanto & Helmi, 2021; Martins và cs., 2010)
KHÔNG CHỈ LÀ VÀI PHÚT LƯỚT TRÊN MÀN HÌNH…
Ngày nay, việc sử dụng thiết bị điện tử phục vụ cho công việc, học tập và giải trí đã trở thành một phần hiển nhiên gắn liền với đời sống. Do vậy, các bậc cha mẹ khó tránh khỏi những lúc cần sử dụng điện thoại hoặc máy tính khi bên con.
Vừa ăn vừa tranh thủ ngó qua điện thoại một chút, hay vừa bấm máy vừa nói chuyện với con… đã trở thành những cảnh tượng quen thuộc với bố mẹ bận rộn. Mọi thứ đôi khi chỉ diễn ra vài phút, hoặc chưa đến một phút.
Điều tưởng chừng như “vô hại” này thật ra lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
Giáo sư Robin Nabi nhấn mạnh: “Cách cha mẹ thể hiện, phản ánh và nói chuyện về cảm xúc với trẻ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh cảm xúc của con”. Vậy nên, vào những lúc dễ bị hấp dẫn bởi điện thoại, “cha mẹ có thể bị hạn chế sự tương tác và phản hồi mà mình dành cho con cái”, ngay cả khi bản thân cha mẹ trong lúc đó có thể cảm thấy mình vẫn nghe và phản hồi đầy đủ với trẻ.
Nghiên cứu trên 400 cha mẹ có con ở độ tuổi từ 5 – 12 tuổi về mức độ sử dụng điện thoại của cha mẹ, hoạt động của trẻ và cách trẻ nhận biết, kiểm soát cảm xúc đã cho thấy việc cha mẹ dùng điện thoại khi ở cạnh trẻ có liên quan đến việc trẻ có trí thông minh cảm xúc thấp hơn.
Sự ảnh hưởng này có thể được giải thích qua nhiều lý do sau đây:
Giảm Thiểu Các Tương Tác Và Phản Hồi Cảm Xúc
Trẻ em học hỏi về cảm xúc thông qua sự tương tác với người chăm sóc. Khi cha mẹ mải mê với điện thoại, dù chỉ trong khoảnh khác, họ sẽ ít dành thời gian quan tâm, trò chuyện và thể hiện cảm xúc với con.
Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy thiếu kết nối và từ đó, ảnh hưởng đến khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác của trẻ sau này.
Thiếu sự tương tác và phản hồi từ cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn và thiếu an toàn. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề về cảm xúc như lo lắng, buồn bã và tức giận.
Truyền Đi Thông Điệp Sai Lệch
Hình ảnh cha mẹ “dán mắt” vào điện thoại trong khi vẫn đang nói chuyện với con hay ai đó, có thể khiến trẻ hiểu lầm rằng đây là hành vi bình thường.
Điều này dẫn đến việc trẻ học theo, dần dành thời gian cho thiết bị điện tử nhiều hơn và có thể kém giao tiếp hơn hay bỏ bê các hoạt động phát triển kỹ năng xã hội sau này.
Mặt khác, việc cha mẹ thỉnh thoảng có “vẻ mặt đơ” – không biểu lộ cảm xúc khi sử dụng điện thoại – có thể khiến trẻ hiểu lầm rằng đây là cách thể hiện cảm xúc bình thường. Việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận diện, bày tỏ và quản lý cảm xúc của trẻ – một thành tố quan trọng của EI.
Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao các nhân vật hoạt hình cho trẻ con thường có những biểu hiện cảm xúc hơi “quá mức“?
Hạn Chế Các Cuộc Trò Chuyện Về Cảm Xúc
Trò chuyện về cảm xúc là một phần quan trọng trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc.
Khi cha mẹ sử dụng điện thoại, họ sẽ ít có cơ hội trò chuyện với con về cảm xúc của họ, của con trẻ và những người xung quanh. Cha mẹ thường đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ học cách nhận biết, thấu hiểu và quản lý cảm xúc.
Khi cha mẹ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, trẻ có thể cảm thấy bản thân không quan trọng đối với cha mẹ. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề về lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ.
Khi cha mẹ không dành thời gian để thảo luận về cảm xúc với con, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng cảm xúc quan trọng sau này.
Nếu sử dụng thiết bị điện tử là một phần của công việc và đôi lúc có thể khó tránh khỏi khi ở bên cạnh trẻ, làm thế nào để cha mẹ có thể giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng xấu đến con cái?
Chuyên gia Nguyễn Phạm Phương Anh, Trưởng Bộ phận Can thiệp Trẻ em tại Saigon Psychub với kinh nghiệm hơn 7 năm trong lĩnh vực can thiệp dựa trên nguyên lý ABA (Applied Behavior Analysis), đã chia sẻ về chủ đề này dưới góc nhìn của chuyên gia:
Bản chất việc sử dụng thiết bị điện tử không phải là điều xấu và là điều cần thiết trong công việc và giao tiếp hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc một số yếu tố trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử để giảm thiểu các ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và mối quan hệ giữa cha mẹ với trẻ. Các yếu tố này bao gồm nhưng không giới hạn trong thời gian sử dụng, sự tương tác giữa cha mẹ và con cái trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử và nội dung tiêu thụ.
Cha mẹ cần cân nhắc giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho bản thân, trao đổi rõ ràng với con về giới hạn này và thực hiện theo “lời hứa” đó. Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Mẹ sẽ cần 5 phút (kim dài chỉ đến số …) để hoàn thành công việc, sau đó mẹ con mình có thể cùng đọc sách/chơi hình khối…”. Khi đến thời gian đã giao ước, cha mẹ cần cố gắng thực hiện theo lời hứa với con. Điều này giúp phụ huynh cân bằng được thời gian sử dụng thiết bị điện tử và thời gian bên cạnh con. Đồng thời, phụ huynh có thể làm mẫu cho con về việc thực hiện hoạt động theo giới hạn thời gian và quy ước ban đầu.
Trong quá trình sử dụng thiết bị điện tử nếu có bất kì tương tác nào diễn ra với con, cha mẹ cần đảm bảo hướng cơ thể về phía trẻ, giao tiếp mắt và trao đổi một cách rõ ràng với con. Việc này truyền đạt thông điệp rằng tại thời điểm đó, sự hiện diện và nhu cầu của con vẫn là ưu tiên của cha mẹ, đồng thời giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và bên cạnh con.
Đôi khi, việc cha mẹ sử dụng thiết bị điện tử cùng trẻ cũng là một cách để tạo nên sự gắn kết trong gia đình. Cha mẹ có thể cùng con xem các chương trình yêu thích và trao đổi về những nội dung trẻ tiếp xúc. Bằng cách này, cha mẹ có thể tìm hiểu về sở thích của con, tăng cường sự tương tác có ý nghĩa giữa các thành viên trong gia đình và giới thiệu con với các nội dung hữu ích.
Quý vị có thể tham khảo thêm các chương trình hỗ trợ cha mẹ và trẻ tại Saigon Psychub nếu có nhu cầu tại đây.
Saigon Psychub dịch và tổng hợp từ:
Doǧru, Ç. (2022). A meta-analysis of the relationships between emotional intelligence and employee outcomes. Frontiers in Psychology, 13, 611348. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2022.611348
Hamm, K. (2023). What Happens When You Use Your Phone Around Your Kids. The Greater Good Science Center at the University of California, Berkeley. https://greatergood.berkeley.edu/article/item/what_happens_when_you_use_your_phone_around_your_kids
Hartanto., & Helmi, A. F. (2021). Meta-analysis of the correlation between emotional intelligence and life satisfaction. Anatolian Journal of Education, 6(2), 63–74. https://doi.org/10.29333/aje.2021.626a
Martins, A., Ramalho, N., & Morin, E. (2010). A comprehensive meta-analysis of the relationship between emotional intelligence and health. Personality and Individual Differences, 49(6), 554–564. https://doi.org/10.1016/j.paid.2010.05.029
Nabi, R. L., & Wolfers, L. N. (2022). Does Digital Media Use Harm Children’s Emotional Intelligence? A Parental Perspective. Digital Child and Adulthood: Risks, Opportunities, and Challenges, 10(1). https://doi.org/10.17645/mac.v10i1.4731