Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Kyle Chayka
Mỗi buổi sáng tôi thức dậy và kiểm tra điện thoại, tôi thường nhận được một vài “lời nhắc nhở”. Facebook thì cho tôi biết tôi có những ”ký ức” mới với bạn bè qua tính năng “On This Day” – đó có thể là kỉ niệm lần đầu tôi gặp bất kỳ một người nào hay chỉ là hình ảnh về một bữa tiệc vô chừng nào đó trong quá khứ.
Vài tiếng sau, Google lại cho tôi biết rằng hôm nay là sinh nhật mẹ tôi, đồng thời cũng tự đính tôi vào một vài tấm hình tôi chụp cùng với bạn bè tối qua. Bất chợt, tin báo Facebook hiện lên nhắc tôi về sự kiện tối nay tôi cần tham dự. Tôi chẳng biết rằng liệu công nghệ đang khiến tôi mất dần trí nhớ hay nó đang mang lại quá nhiều ký ức cho tôi.
Trên Tumblr có một trang mục tên Kiến thức giả, nó được định nghĩa là “những thông tin môt người không biết nhưng vẫn có thể tiếp cân khi cần thông qua công nghệ.” Internet, đặc biệt là truyền thông xã hội, đã đem đến cho chúng ta một không gian lưu trữ ký ức theo cách mà trước đây khó thể nào tưởng tượng được – thay vì phải tự nhớ lại, chúng ta không những có thể lên google tìm kiếm dân số của một quốc gia hay địa điểm của một quán ăn đã từng tới, chúng ta còn có thể dùng Facebook hay Twitter để quản lý những mối quan hệ của mình, đó là chưa nhắc đến khả năng vạch sẵn kế hoạch cho cả cuộc đời của chúng ta.
Những kiến thức giả này trông có vẻ khá đáng sợ vì thực chất chúng ta không quản lý chúng. Đôi khi có cảm giác như các mạng truyền thông đã thay thế bộ não của chúng ta, chúng chi phối lịch trình của chúng ta với những tin nhắn nhắc nhở và khiến chúng ta nhớ lại những sự kiện mà chúng ta thậm chí đã cố quên đi – những cuộc chia ly hay tang chế trong gia đình. Như vậy, ký ức của chúng ta đang nằm trong tay những thuật toán vô hồn, vô cảm đang bí mật định hình cuộc sống của mỗi người. May thay, ảnh hưởng của internet lên não bộ của chúng ta lại không đáng sợ đến mức đó.
Thật sự là chúng ta đang phải tự ghi nhớ những thông tin ngẫu nhiên ít hơn các thế hệ trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta tập trung nhiều hơn vào việc ghi nhớ điều khác – cách thức trích xuất thông tin.
Một nghiên cứu do ĐH Columbia thực hiện năm 2011 cho thấy, “khi phải đối mặt với những câu hỏi khó, con người thường nghĩ tới máy tính… khi chúng ta mong muốn tiếp cận với một thông tin nào đó trong tương lai, chúng ta thường ít nhớ lại bản thân thông tin mà sẽ tìm kiếm nơi ta có thể tiếp cận thông tin đó.”
Nói cách khác, có thể việc ghi nhớ số dân của Hoa Kỳ không quá quan trọng nhưng biết được chỗ nào cho ta biết thông tin đó lại trở nên khá cần thiết (điều này tương tự với việc ghi nhớ ngày sinh của người thân trong gia đình). Trong một nghiên cứu với các thông tin được lưu trữ trong hệ thống tệp hồ sơ để trong máy tính, những nghiệm thể “được cho biết họ có thể tìm lại thông tin thường không ghi nhớ các chi tiết, thay vào đó, họ ghi nhớ màu sắc của các tệp hồ sơ,” Tracy Packiam Alloway, nhà tâm lý và là cựu giám độc của Trung tâm Trí nhớ và Học tập suốt đời Vương quốc Anh cho biết.
Bà cho biết, có những phê bình cho rằng việc dựa vào truyền thông xã hội sẽ khiến chúng ta “mất khả năng lưu giữ mọi thứ”. Thực chất, điều này lại hoàn toàn trái ngược – Internet “giải phóng tài nguyên của não bộ”, thay vì cố gắng ghi nhớ thông tin, chúng ta lại có thể chủ động tiếp cận nhiều hơn. Truyền thông xã hội tăng cường khả năng chắt lọc những thông tin có liên quan đến chúng ta, điều này diễn ra thông qua việc lựa chọn những đoạn tweet vui hay quan trọng giữa hằng hà sa số các tin tức mới xuất hiện.
Trong một nghiên cứu khác, Alloway cho các học sinh cấp 3 thực hiện một bài trắc nghiệm đã được chuẩn hóa. Trong đó, một số bạn chỉ mới dùng Facebook dưới sáu tháng còn một vài bạn khác đã dùng Facebook một thời gian dài.
Alloway cho biết “Những bạn học sinh dùng Facebook lâu hơn có trí nhớ làm việc tốt hơn, các bạn cũng có kỹ năng ngôn từ, từ vựng và ngôn ngữ tốt hơn.”
Thay vì phá hoại tâm trí, có vẻ Facebook đã giúp các bạn luyện tập việc quyết định đâu là những điều cần chú ý và đâu là những việc cần quên đi. Tuy nhiên, theo kết quả, sử dụng Youtube lại không giúp được gì cho các bạn học sinh do nó quá thụ động. Alloway cho rằng “nó không đem
lại cùng một kiểu thông tin”.
Chúng ta cũng thường dễ có cảm giác truyền thông xã hội gây ra “bão” thông tin. Chúng ta không thể làm việc với những thông tin đó theo cùng cách chúng ta tiếp cận với sách giấy hay những cuộc đối thoại diễn ra với bạn bè trong quán café.
“Bạn sẽ không còn cảm nhận những ký ức tương tác sống động, trí nhớ của bạn đã lưu trú trên internet”, nhà tâm lý phát triển thuộc ĐH New York, Niobe Way, cho biết. “Đó là những trải nghiệm thụ động hơn rất nhiều. Những gì chúng ta biết về trí nhớ hiện này là ký ức càng thụ động bao nhiêu thì chúng ta càng dễ quên lãng bấy nhiêu.” Tuy vậy, thực ra truyền thông xã hội lài cực kỳ dễ nhớ.
Một thực nghiệm vào năm 2013 cho thấy các nghiệm thể có thể nhớ những bài đăng trên Facebook của bạn bè nhanh hơn và lâu hơn những câu chữ trong sách, ngay cả khi chúng được viết bằng ngôn ngữ internet.
Báo cáo viết, “Khác biệt không nằm ở chỗ các bài đăng có chứa các ký hiệu cảm xúc, các kí tự đặc biệt hay chữ nhiều hay ít; kết quả vẫn tương tự khi tất cả những thứ đó đã được loại trừ”. Không những thế, Facebook còn giúp chúng ta ghi nhớ gương mặt người khác tốt hơn. “Có thể các bài đăng một cách tự nhiên khiến chúng ta có tư duy xã hội, dẫn tới việc mã hóa ghi nhớ các bài đăng một cách mạnh mẽ hơn…”
Tuy vậy, việc dễ dàng ghi nhớ các ký ức qua mạng truyền thông có thể khiến sự thật bị bóp méo. Mạng xã hội có khả năng “ảnh hưởng tới sự gắn kết giữa cuộc sống thực tế và ký ức” TS Richard Sherry, thành viên sáng lập Hội Phân tâm học Thần kinh cho biết. Do chúng ta có khả năng gợi nhớ lại một cách quá dễ dàng, những thông tin ta chọn để lưu trữ trên internet và mạng xã hội, thay vì làm sáng tỏ, sẽ có xu hướng làm nhiễu các ký ức của chúng ta. Thậm chí một nghiên cứu còn cho thấy, chỉ cần vài lần lặp lại, trí nhớ có thể bị bóp méo một cách nghiêm trọng.
Điều này có nghĩa là tất cả những thứ mà Google hay Facebook liên tục nhắc bạn sẽ trở thành những điều mà bạn ghi nhớ, đây có lẽ là phần đáng sợ nhất. Hãy điều chỉnh một cách có chọn lọc những thông tin trên mạng xã hội của bạn! Điều này sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn trong tương lai.
Nguồn: http://nymag.com/following/2015/12/what-does-the-internet-do-to-our-memories.html#