TẠI SAO NHỮNG QUYẾT TÂM TRONG NĂM MỚI CỦA BẠN THƯỜNG THẤT BẠI?

Alina Dizik

Trong bốn năm qua, tôi luôn có cùng một quyết tâm cho năm mới: Tôi sẽ không bị chia trí bởi tin nhắn hay quá chú tâm vào những ứng dụng trên điện thoại của mình. Hiện tại, tôi vẫn đang gặp phải những vấn đề đó.

Tất nhiên, với việc bản thân liên tục đặt ra cùng một quyết tâm qua các năm, tôi nhận ra để thay đổi thói quen sẽ cần phải làm nhiều hơn là chỉ đề ra một mục tiêu truyền thống thường niên như vậy. Tôi không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề này.

Rất nhiều người trong chúng ta dùng thời gian trước thềm năm mới để tự đặt ra những mục tiêu khó lòng đạt được: kì vọng được thăng chức không bao giờ thành hiện thực, quyết tâm tập thể dục khó lòng trụ vững qua đến tháng hai, hay xác định mục tiêu quá mơ hồ cho một mối quan hệ.

Trong trường hợp của mình, tôi đặt một mục tiêu quá khó để đo lường đến độ tôi có cảm giác mình thất bại dù sự thật không hẳn là như vậy. (Thành thật mà nói, tôi cũng đã bỏ qua những quyết tâm có liên quan đến nghề nghiệp hay luyện tập thể dục).

Đừng quá thất vọng, có rất nhiều người giống như bạn. Theo một nghiên cứu của ĐH Scrantion, thực hiện trên trang web Statistic Brain, chỉ có 8% những người đặt quyết tâm cho năm mới thật sự đạt được mục tiêu của mình.

“Chính trong bản thân các quyết tâm đã chứa đựng thất bại và sự trì hoãn,” Timothy Pychyl, giáo sư tâm lý tại ĐH Carleton, Ottawa-Ontario, Canada, hiện đang nghiên cứu về trì hoãn, cho biết.

Cảm giác thất bại

Thật ra, chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đặt mục tiêu vào thời điểm này vì chúng ta thường sẽ hay chia sẻ chúng với người khác (và cảm thấy bị buộc phải thử thực hiện chúng). Tuy nhiên, trong thực tế, những quyết tâm cho năm mới cực kỳ khó thực hiện.

Một phần của vấn đề là chúng ta thường hay chọn những mục tiêu phi thực tế nhất để làm quyết tâm. Điều này xảy ra vì chúng ta hay giả định sai lầm rằng chúng ta có thể “trở thành một con người hoàn toàn khác” trong năm mới, tâm lý gia Rachel Weinstein, cho biết. Vấn đề càng được nhân rộng khi chúng ta nghe những mục tiêu ‘khổng lồ’ mà bạn bè hay đồng nghiệp đặt ra trong năm mới, bên cạnh đó là những thông điệp truyền thông khác nhau về hiện tượng văn hoá này.

Trong thực tế, “thay đổi xảy ra từng bước nhỏ theo thời gian”. Weinstein giải thích.

Với nhiều người, đặt ra quyết tâm cho năm mới có thể gây hại ngược lại mà nhiều khi chúng ta không nhận ra. Joseph Luciani, tâm lý gia làm việc về các kỹ thuật tự huấn luyện tại Cresskill, New Jersey cho biết. Sau nhiều lần cố gắng thực hiện các quyết tâm không thành công, chúng ta có thể sẽ cảm thấy thất bại. Điều này sẽ gây ra cảm nhận tiêu cực rằng chúng ta đang không sống đúng với ý định của mình.

“Quyết tâm trong năm mới thường là quyết tâm suông… chúng ta đi từ thái độ quyết tâm sang thái độ ‘điều này khó quá’,” ông cho biết. Cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc với việc thiếu cảm giác nhiệt huyết khi đặt các mục tiêu khác trong năm.

Bí mật để thành công

Nếu bạn thật sự nghiêm túc trong việc theo đuổi những mục tiêu trong năm mới, hãy bắt đầu ngay khi bạn có thể. Đừng đợi đến ngày đầu năm. Việc chờ đợi có thể được xem như “một kiểu trì hoãn được văn hoá quy định”. Panych cho biết, chúng ta cảm thấy hài lòng khi mô tả quyết tâm của mình khi người khác hỏi nhưng lại gặp khó khăn trong việc thực hiện nó trong năm mới. Ví dụ, hãy mua giày chạy và bắt đầu chạy khoảng cách ngắn ngay trước khi cam kết quyết tâm chạy marathon.

Đồng thời, cẩn thận về việc chia sẻ cho bạn bè trước khi bạn thật sự làm được. Theo nghiên cứu của Panych, ngay cả khi không hành động để đạt được quyết tâm, chúng ta vẫn có thể có cảm giác thành công chỉ bằng cách thông báo mục tiêu và thể hiện tham vọng của mình trước cả khi chúng ta đạt được mục tiêu đó. “Đôi khi, chia sẻ mục tiêu với mọi người là điều tệ nhất bạn có thể làm, vì bản thân nó đã là một kiểu tưởng thưởng”, ông chia sẻ.

Đặt những mục tiêu đơn giản

Nhìn có vẻ như chúng ta đang cắt xén bớt mục tiêu nhưng nếu bạn thật sự muốn đạt được quyết tâm, hãy đặt những mục tiêu dễ dàng thực hiện từ ngay ngày đầu tiên. Theo Weinstein, tốt hơn nữa, hãy tìm mục tiêu mà sau đó bạn có thể nâng độ khó lên mức cao hơn.

Ví dụ, hãy tập thể dục thêm ngày thứ ba nếu bạn đã tập hai ngày trong tuần. Thành công sẽ dễ đạt được hơn nếu lòng tin vào bản thân của bạn được thúc đẩy. Nó sẽ đưa bạn trở nên tốt hơn thông qua những mục tiêu khó hơn. Nếu quyết tâm cho năm mới trở nên quá dễ, “việc thêm vào một điều khoản bổ sung vào tháng Hai không có gì là sai cả.”

Nhưng nếu bạn đã từng thất bại trong quá khứ, hãy tha thứ cho chính mình và quyết tâm một cách thực tế hơn. Thay vì giữ nguyên cùng một quyết tâm, hãy thử một tiếp cận mới giúp cùng cố tính tự kỷ luật và mang đến cảm giác hài lòng ngay cả với thành công nhỏ nhất.

“Phát triển khả năng tự kỷ luật là một tiến trình”, Luciani cho biết. “Bạn bắt đầu càng có được thành công bao nhiêu thì bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận bản thân khác đi nhiều như vậy.”

Nguồn: http://www.bbc.com/capital/story/20161220-why-your-new-years-resolutions-often-fail

Để lại bình luận