Nam giới làm việc trong các ngành nghề đặc thù dành cho nữ giới có xu hướng xem trọng khía cạnh xã hội của ngành nghề hơn yếu tố tài chính.
Đây là kết quả của nghiên cứu do TS. Kazia Solowiej, TS Catharine Ross, và GS. Jan Francis-Smythe của trường ĐH Worcester, TS. Dr Catherine Steele từ ĐH Leicester.
Tổng cộng có 34 nam giới được phỏng vấn; bao gồm 15 giáo viên tiểu học và 19 nhân viên hành chính làm việc ở các trường Đại học. Họ trao đổi với nhau về kinh nghiệm nghề nghiệp, trải nghiệm về thành công và những hỗ trợ họ nhận được từ nơi làm việc. Kết quả phỏng vấn cho thấy định nghĩa về thành công nghề nghiệp bao gồm việc xây dựng các mối quan hệ thân tình với đồng nghiệp, tính linh hoạt của công việc, khả năng giành thời gian cho gia đình và cam kết xã hội. Tiền lương và sự thăng tiến không nằm trong những yếu tố được đề cập.
Đối với những giáo viên nam dạy tiểu học, sự phát triển nghề nghiệp được phản ánh qua những thử thách khác nhau do học sinh mang đến. Họ cũng đánh giá cao sự công nhận từ đồng nghiệp. Tuy nhiên, một số cảm thấy chịu áp lực khi bị yêu cầu tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp, điều đi ngược lại với mục tiêu công việc thực sự của họ.
Solowiej cho biết:
“Chúng ta thường nghĩ nam giới đánh giá nghề nghiệp của mình thông qua việc thăng tiến thường xuyên; tuy nhiên nghiên cứu cho thấy điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Nam giới làm việc trong những nghề mà nữ giới chiếm ưu thế thường đánh giá sự thành công qua những tiêu chí nằm ngoài lương bổng và thăng tiến.
“Các tổ chức cần hiểu rằng một số nhân viên nam không đơn thuần được thúc đẩy bởi các cơ hội thăng tiến. Vì vậy, những giả định khuôn mẫu về giới đối với sự thành công cần phải được xem xét. Từ đó, chúng ta mới có thể hiểu được đâu là điều quan trọng đối với mỗi cá nhân trong những bối cảnh nghề nghiệp khác nhau.”
Nguồn: http://www.bps.org.uk/news/different-motivations-male-workers-typically-female-jobs
Dịch: Saigon Psychub