6 cách giúp con của bạn nói rõ ràng

Bí quyết hữu hiệu để trẻ nói rõ ràng là gì? Đó là để trẻ nghe người khác nói rõ ràng.
Khi nghe một ai đó nói chuyện, trẻ sẽ lấy đó làm mẫu để nói đúng. Sau đó, khi nói trẻ sẽ nghe cách phát âm của mình và so sánh các âm đó với âm trẻ đã từng được nghe ở người khác. Nếu âm giống nhau, trẻ sẽ biết mình đang nói đúng. Nếu các âm không khớp, trẻ sẽ thử lại cho đến khi chúng trùng khớp.

Quy tắc vàng

Trẻ sẽ thành thạo một vài âm sớm hơn một vài âm khác. Nhìn chung, quy tắc vàng được dùng để đánh giá mức độ phát triển của ngôn ngữ của trẻ.

  • Đến 2 tuổi, một người không quen thuộc với giọng nói của trẻ vẫn có thể hiểu được khoảng 50% những gì trẻ nói.
  • Đến 3 tuổi, một người không quen thuộc với giọng nói của trẻ có thể hiểu được khoảng 75% những gì trẻ nói.
  • Đến 4 tuổi, một người không quen thuộc với giọng nói của trẻ có thể hiểu được khoảng 100% những gì trẻ nói.

Điều này không có nghĩa là trẻ sẽ nói rõ ràng chính xác 100% – một đứa trẻ lên 4 thường vẫn mắc một số lỗi khi nói – nhưng chúng ta có thể hiểu được trẻ đang nói gì.

Ngôn ngữ nói với trẻ khiếm tính (Speaking with Hearing Loss)

Đối với một đứa trẻ khiếm thính, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển lời nói. Ví dụ các yếu tố đó là: Mức độ mất thính giác của trẻ? Trẻ đã đeo máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử trong khoảng thời gian bao lâu? Khi nào trẻ bắt đầu sử dụng và tần suất mà trẻ đeo nó? Những hình thức bài tập phục hồi nào mà trẻ đang thực hiện? …

Mặc dù có một vài yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn, tuy nhiên hãy sử dụng 6 kỹ thuật dưới đây để giúp con bạn phát triển những kỹ năng nghe cần thiết để nói rõ ràng.

1. Nói nhiều hơn

Hãy nói nhiều hơn. Nói về những điều bạn đang làm, trẻ đang làm, những gì mà bạn và con bạn đang cảm thấy và suy nghĩ.
Càng nghe bạn nói đúng thì trẻ càng biết cách phát âm đúng các từ đó hơn.

2. Đến gần con

Khi nói chuyện với con, hãy cúi người để ngang tầm mắt với trẻ. Đến gần con của bạn, nghiêng người hoặc quỳ xuống để gần con và gần với bộ phận xử lý âm thanh của trẻ.
Khi đến gần, bạn đang giúp con mình nghe thấy giọng bạn dễ dàng hơn. Điều này làm cho lời nói của bạn nổi bật hơn so với tiếng ồn xung quanh. Bằng cách này, trẻ sẽ có thể nghe rõ ràng các chi tiết âm trong lời nói mà bạn phát ra.

3. Nghe trước làm sau

Trước khi bạn bày tỏ hoặc làm một điều gì đó, hãy nói trước thay vì làm ngay. Điều này sẽ giúp con bạn phát triển kỹ năng nghe bằng cách nghe lời nói của bạn. Thêm các cử chỉ để giúp trẻ hiểu sau khi trẻ đã nghe thông tin từ lời nói của bạn. Điều này giúp trẻ phát triển vùng thính giác của não và vùng này được sử dụng để theo dõi lời nói của trẻ.

4. Nhấn mạnh âm

Nhấn mạnh âm là nhấn mạnh các từ ngữ để chúng trở nên nổi bật. Nếu có những từ hoặc âm mà con của bạn đang tập luyện, bạn có thể làm nổi bật chúng bằng cách nói to hơn hoặc chậm hơn một chút so với các từ khác hoặc nói chuyện với trẻ với chất giọng ê a – có nhịp lên xuống, trầm bổng.
Điều này sẽ giúp cho con của bạn tập trung vào từ cụ thể hoặc âm cụ thể trong từ đó.

5. Đặt câu hỏi với nhiều lựa chọn

Đặt câu hỏi có nhiều lựa chọn. Ví dụ: Nếu bạn đang tập trung vào phát triển một âm cụ thể, chẳng hạn như /đ/, bạn có thể nói “Con có muốn đi đến công viên hay đi đến nhà bà không?.
Điều này cho bạn cơ hội lặp lại một số từ nhất định nhắm vào các âm cụ thể, vì vậy con bạn có hai cơ hội để nghe và một cơ hội để thực hành.

6. Tạo ra tình huống khó

Tạo tình huống để con bạn phải đến gặp bạn và nói với bạn. Ví dụ: Bạn có thể đặt một trong những món đồ chơi yêu thích của con ngoài tầm với của chúng.
Điều này giúp con bạn có cơ hội tự mình nói với bạn mong muốn của trẻ. Và cho bạn cơ hội củng cố những gì trẻ đã nói (nếu trẻ nói đúng) hoặc lặp lại để trẻ nghe được từ đúng (nếu trẻ nói chưa đúng hoặc chưa nói được).

Tài liệu tham khảo

1. Coplan, J., Gleason, J.R. (1988) Unclear speech: recognition and significance of unintelligible speech in preschool children. Pediatrics. 82(3 Pt 2):447-52.
2. Ertmer, D.J., Goffman, L. A. (2011.) Speech Production Accuracy and Variability in Young Cochlear Implant Recipients: Comparisons with Typically Developing Age-peers. Journal of Speech Language and Hearing Research. February; 54(1):177–189
3. Fulcher, A., Baker, E., Purcell, A. & Munro, N. (2014). Typical consonant cluster acquisition in auditory-verbal children with early-identifies severe/profound hearing loss. International Journal of Speech-Language Pathology. 16(1):69-81
4. McLeod, S. & Bliele, K. (2003). Neurological and developmental foundation of speech acquisition. American Speech-Language –Hearing Association Convention : Invited seminar presentation. Chicago.

Leave A Comment