TRĂN TRỞ VỀ TUỔI THIẾU NIÊN: HIỂU ĐỂ GẦN CON HƠN
Tác giả: Phan Tường Yên
“Chừng nào còn có thiếu niên thì sẽ luôn có những người lớn than phiền về chúng”
Đây là câu nói trong bộ phim tài liệu về sự phát triển não bộ tuổi vị thành niên mà tôi rất thích. Lần đầu mới nghe tôi đã bật cười. Vì nó đúng với những trải nghiệm công việc của tôi theo một “phiên bản dễ thương hơn”. Nhưng rồi, nó khiến tôi nghĩ mãi, về việc thực sự thay đổi những trục trặc, khó khăn của người lớn và thiếu niên, làm sao để cha mẹ gần con hơn, để đồng hành cùng các bạn trên con đường lớn lên nhiều đổi thay này.
Người ta nói gì khi nói về tuổi vị thành niên?
Nếu tôi yêu cầu quý vị nhắm mắt, và gọi tên thật nhanh những hình ảnh hay hành vi đặc trưng của một đứa trẻ ở độ tuổi thiếu niên, thì 3 từ đầu tiên quý vị sẽ liệt kê ra là gì?

Ảnh: Adinmutlu from Getty Image
Thật thú vị, khi làm việc với các thầy cô ở một số trường phổ thông ở TP.HCM, những từ mô tả tôi nhận được lại tương phản nhau theo một cách…rất hợp lý: học hành, lo nghĩ, tình cảm, lông bông, ham chơi, liều lĩnh, đơn độc, tụ tập…
Và, tôi còn ấn tượng hơn nữa với những câu trả lời của các cha mẹ trong một chương trình tập huấn sâu về nuôi dạy con. Các mô tả này chi tiết, “giàu hình ảnh và âm thanh” hơn tôi mong đợi. Họ nhắc nhiều đến những hình ảnh như “đóng sập cửa”, “dán mắt vào điện thoại”, “cãi tay đôi”, “im lặng”, bốc đồng, căng thẳng, cảm xúc, và cả “ăn mặc vớ vẩn”… [1]
Không phải ai trải qua khoảng thời gian “thành niên” này cũng đều sóng gió. Tuy nhiên, có những thời điểm và nơi chốn nhất định mà các vấn đề của lứa tuổi này nổi lên quá sáng rõ cho ta thấy nó thật sự cần được bàn luận một cách chân thành và nghiêm túc.[2]
Tôi cho rằng, ấy là ngay lúc này.
Nỗi niềm mẹ cha

Ảnh: PR Image Factory
Từ nửa sau của 3 năm đại dịch căng thẳng, tại Psychub chúng tôi bắt đầu ghi nhận sự gia tăng rõ rệt các yêu cầu trợ giúp từ những bố mẹ có con đang học cấp 2, cấp 3 [3]. Có cái gì đó ở thời điểm này khiến các em bộc lộ rõ những đặc trưng của lứa tuổi ra thành hành vi đủ để cha mẹ bối rối và âu lo.
Một số người tâm sự rằng họ cảm thấy như đứa con bé bỏng của mình sao có thể bỗng trở nên trưởng thành và già dặn quá mức chỉ sau vài tháng học online ở nhà.
Một số khác lại cảm thấy đứa trẻ đáng yêu dễ đoán, dễ bảo mà mình quen thuộc chợt không còn “cùng chiến tuyến” với mình nữa (mà thậm chí còn chống đối quá mức) chỉ sau một đêm.
Không chỉ vậy, sự thay đối chóng mặt về phong cách, mà cụ thể nhất là quần áo và tóc tai của con trẻ, cũng là một trong những điều làm phụ huynh đau đầu.
Cái khó của “thiếu một chút, thừa một chút”
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã tin rằng lý do khiến thanh thiếu niên hành động liều lĩnh và dễ xúc động là do sự tăng tiết của hormone và rằng vì bọn trẻ không thích “kiểu nói chuyện uy quyền” của người lớn. Sự thật không phải vậy. Đến tận những năm cuối thế kỷ 20, với sự phát triển của khoa học thần kinh, các nghiên cứu mới dần cho thấy một câu chuyện phức tạp chủ yếu liên quan đến não bộ.
Về cơ bản, não của trẻ vị thành niên sẽ còn trải qua một giai đoạn hoàn thiện kéo dài đến tận những năm giữa của tuổi 20. Quá trình nâng cấp tốc độ xử lý của não bộ [4] diễn ra từ phần phía sau của não tiến dần ra trước. Điều này đồng nghĩa với việc phần vỏ não trước trán _ nơi phụ trách hoạt động suy luận lý tính, ra quyết định, lập kế hoạch và kiểm soát bản thân sẽ là phần được “nâng cấp” sau cùng.
Courtesy of Paul Thompson / UCLA School Of Medicine
Ý nghĩa của tất cả điều này là gì? Nghĩa là, thiếu niên sẽ “thiếu một chút” sự trưởng thành để xử lý các tình huống cần nhiều kỹ năng quản lý cảm xúc, và hơi “thừa một chút” thách thức từ thế giới bên ngoài khiến các em sẽ phải khá vất vả mới có thể thích nghi tốt được.
Với sự chênh lệch tốc độ này, phần não phụ trách cảm xúc và tưởng thưởng trong giai đoạn này khá “tự tung tự tác”. Trẻ vị thành niên cũng vì thế sẽ sáng tạo hơn, đồng thời ưa thích những điều mới mẻ và chú ý hơn đến ánh nhìn của người xung quanh, bởi đó đều là những trải nghiệm mang lại rất nhiều cảm xúc.
Cần làm rõ rằng, thiếu niên hoàn toàn có khả năng suy nghĩ chín chắn và hợp lý. Vấn đề là các tín hiệu của phần não lý trí đôi khi “chạy đua không kịp” đến phần não chi phối cảm xúc, để đưa ra các phân tích giúp điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát hành động.

Ảnh: Oneinchpunch
Sự bất cân xứng về tốc độ xử lý này gây nên những tình huống dở khóc cười bởi hành vi đầy bốc đồng, rủi ro và kỳ lạ mà người lớn đôi khi phải tự hỏi rằng sao con có thể “làm trước nghĩ sau” như vậy.
Nó cũng giải thích vì sao trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch, các vấn đề về sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên lại nổi lên vô cùng rõ ràng, bởi có quá nhiều kích thích, quá nhiều thay đổi, quá nhiều thông tin và cảm xúc mà não bộ đang hoàn thiện của các em phải tìm cách tiêu thụ và xử lý mỗi ngày.
Vậy là, chỉ thiếu một chút, thừa một chút thôi, nhưng những thay đổi mạnh mẽ về mặt não học của thanh thiếu niên _ mặc dù cho các bạn cơ hội để phát triển _ nhưng cũng khiến các bạn dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Hiểu Để Gần Con Hơn
Rất nhiều thiếu niên tôi gặp chia sẻ rằng “em muốn hiểu điều gì xảy ra với mình” hay “tại sao đôi khi em thấy như cảm xúc nuốt chửng em”. Hiểu về sự phát triển của chính mình giúp các em có những lựa chọn tốt hơn và hơn hết là có sự thận trọng hợp lý để chậm lại trước khi có những hành động quan trọng.

Ảnh: Wassef from Getty Image
Tôi tin rằng, việc hiểu về cơ chế sinh học nền tảng này hữu ích cho cả thiếu niên và các bậc cha mẹ.
Từ hiểu, cha mẹ sẽ cần nỗ lực trở thành một tấm gương về phản ứng cảm xúc phù hợp để con trẻ học hỏi cách giải quyết các tình huống khó khăn ngày càng nhiều hơn trong thế giới của các em. Tôi cũng rất hy vọng các bậc cha mẹ sẽ hiểu hơn những cái khó của trẻ để có kỳ vọng hợp lý đối với con và kiên nhẫn hơn khi đồng hành cùng con.
Vậy làm thế nào để đồng hành cùng con trong khi chúng không chia sẻ mấy, từ chối lắng nghe còn mẹ cha thì có hàng trăm điều hay lẽ phải muốn dạy cho chúng?
Tôi muốn kết lại bài viết này bằng một chia sẻ của Christine Shepherd – một nhà trị liệu có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ vị thành niên, gia đình và hỗ trợ cha mẹ tại GfVT Hannover – đối tác chuyên môn của Saigon Psychub:
“Trong suốt độ tuổi vị thành niên, việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh và tin cậy giữa ba mẹ và con cái luôn là điều quan trọng hàng đầu. Lựa chọn lắng nghe con trẻ trong tuổi thành niên sẽ hiệu quả hơn là tạo áp lực cho con để có được những thông tin ba mẹ muốn.
Hãy cố gắng luôn cởi mở và quan tâm. Cùng nhau làm những điều mà cả ba mẹ và con đều thích, như xem phim hoặc đạp xe mà không “tranh thủ dạy dỗ” để nói về việc này hay vấn đề kia. Điều quan trọng là để con có thể chia sẻ về những trải nghiệm tích cực, mà không phải lo lắng về việc bố mẹ sẽ đưa ra những câu hỏi khó hiểu.
Hãy hỗ trợ con nếu bạn nhận thấy trẻ có những thay đổi về tâm trạng, hành vi, mức năng lượng hay khẩu vị. Trẻ có thể đang cần được giúp đỡ và đó có thể là một dấu hiệu rằng trẻ cần phải nói chuyện với một chuyên gia về sức khỏe tinh thần.”
[1] Các chia sẻ này diễn ra trong khóa học “Nuôi dạy con tích cực – dành cho cha mẹ có con từ 10-18 tuổi”, đã được xin phép và chấp thuận cho sử dụng ẩn danh trong bối cảnh giáo dục, đào tạo và các thảo luận – chia sẻ kiến thức hướng đến cộng đồng
[2] Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, liên tiếp xảy ra những trường hợp thanh thiếu niên có hành vi tự sát, tự hại. Các nhà quản trị nhân sự thì cảnh báo tình trạng nghỉ việc hàng loạt của nhóm nhân viên trẻ thuộc thế hệ Gen Z, dấy lên tiếng chuông báo động cho thấy cần thêm nhiều sự quan tâm hơn đến tâm lý và đặc trưng của lứa tuổi này.
[3] Số liệu được chúng tôi ghi nhận từ nửa sau năm 2021 và so sánh với các thống kê từ 2021 trở về trước của bộ phận lâm sàng.
[4] Tên khoa học của quá trình này là ‘myelination’, tức quá trình mà các liên kết trong não bộ được bọc một lớp “myelin” giúp củng cố và tăng tốc độ liên lạc giữa các vùng não.