KHÓ KHĂN TINH THẦN CỦA TÔI CÓ THỂ ĐƯỢC CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN KHÔNG?

—SAIGON PSYCHUB—

Nguồn: Can Mental Illness Be Cured? by Muhammad Haikal Bin Jamil
Biên tập và chuyển ngữ: P.D

John đang gặp nhà tâm lý lần đầu tiên. Anh ấy đã có tâm trạng khá tệ và gặp các cơn hoảng loạn trong mấy tuần qua. Nhà tâm lý đánh giá các yếu tố góp phần vào sự gia tăng trầm cảm và lo âu của anh và làm việc với John để kiểm soát tình trạng này. Kết thúc cuộc hẹn, John đặt ra một câu hỏi cho nhà trị liệu của mình, rằng:

“LIỆU CHỨNG TRẦM CẢM CỦA TÔI CÓ THỂ CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN KHÔNG?”

John là một nhân vật hư cấu, nhưng câu hỏi liệu một vấn đề sức khỏe tâm thần có thể được chữa khỏi hay không thường được đặt ra cho tôi vào cuối các buổi gặp đầu tiên với thân chủ. Đôi khi, một số khách hàng thậm chí còn cho biết rằng họ đã được các thành viên trong gia đình yêu cầu gặp chuyên gia tâm lý để “bản thân được chỉnh sửa lại”.

Pychub xin giới thiệu đến các bạn một bài viết mới của tác giả Muhammad Haikal B.J, một góc nhìn thẳng, thật, thú vị về các rối loạn tâm lý và khó khăn tinh thần. Haikal là Thạc sĩ tâm lý lâm sàng tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và có nhiều kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện và các dịch vụ xã hội.

Mặc dù gặp gỡ các thân chủ có khó khăn về sức khỏe tâm thần đóng vai trò chính trong công việc của tôi – một nhà tâm lý, thì câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi trên (và nó có thể gây sốc cho một số người) đó là: Không. Khó khăn tinh thần và rối loạn tâm lý không thể chữa khỏi/chữa hết.

Hãy để tôi giải thích thêm ở dưới đây.

CHỮA BỆNH vs ĐIỀU TRỊ

Được điều trị và vượt qua khác với “hết bệnh” mãi mãi

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần (như bác sĩ tâm thần và nhà các tâm lý học lâm sàng) điều trị hoặc can thiệp cho các bệnh tâm thần để giúp thân chủ phục hồi. Chúng tôi tìm cách giảm bớt sự đau khổ hiện tại của họ và khôi phục khả năng “vận hành” hiệu quả ở họ. Đối với John, tôi có thể làm việc để cân bằng các nhận thức không hữu ích của anh ấy và chỉ ra tác động của một số sự kiện quan trọng đến cuộc sống của anh ấy. Nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng các rối loạn tâm lý có thể được điều trị và các cá nhân có thể tiếp tục cuộc sống có ý nghĩa sau khi phục hồi. Ví dụ, bạn có thể tham khảo bài viết này thảo luận về hiệu quả của CBT đối với các rối loạn lo âu

Tuy nhiên, được-chữa-khỏi có nghĩa là căn bệnh sẽ biến mất vĩnh viễn. Một số bệnh về thể chất, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và viêm khớp, chúng không biến mất. Bệnh nhân phải được kiểm soát liên tục bởi thuốc và/hoặc thay đổi lối sống. Toàn bộ các triệu chứng có thể xuất hiện trở lại nếu một người không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Điều này cũng tương tự với các khó khăn về sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn, Barcusa và Iacono (2007) đã nhấn mạnh rằng xác suất tái lại sau hồi phục ở đợt trầm cảm đầu tiên là 50%, và tỉ lệ tăng lên 70% sau giai đoạn thứ hai.Một dẫn chứng khác, có 27% thân chủ mắc chứng rối loạn hoảng sợ bị tái phát sau khi trải qua liệu pháp hành vi nhận thức thành công (CBT; Brown & Barlow, 1995).

TẠI SAO CÁC RỐI LOẠN TÂM LÝ HAY KHÓ KHĂN TINH THẦN KHÔNG THỂ “CHỮA KHỎI”?

1. Không thể tránh được stress

Sự phát triển của rối loạn tinh thần có thể được quy cho sự tương tác giữa một người có nguy cơ gặp rối loạn và việc trải nghiệm mức độ căng thẳng quá lớn. Ví dụ, một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy những người tham gia báo cáo trải qua mức độ căng thẳng cao hơn để đối phó với các sự kiện cuộc sống đã trải qua mức độ trầm cảm và lo lắng cao hơn đáng kể (Phillips, Carroll & Der, 2015).

Có nhiều nguồn gây stress trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, khiến chúng ta không thể tránh khỏi

Có nhiều nguồn căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, khiến chúng ta không thể tránh khỏi căng thẳng theo thời gian. Một nghiên cứu toàn cầu được thực hiện bởi Cigna (2019) cho thấy 92% người trưởng thành đang làm việc tại Singapore cho biết đang trải qua mức độ căng thẳng đáng kể, so với mức trung bình toàn cầu là 84%. Trong số những người đang trải qua mức độ stress đáng lưu ý đó, 13% thông tin rằng stress của họ là ‘không thể kiểm soát được”.
Chúng ta có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh té ngã sau khi hồi phục các xươngbị gãy, nhưng chúng ta không thể làm điều tương tự cho căng thẳng. Thành thử, sẽ có lúc sức khỏe tinh thần có thể bị tổn hại khi những yếu tố gây căng thẳng vượt quá sức chống chọi của bản thân.

Một số bệnh về thể chất, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hay viêm khớp, chúng không biến mất. Điều này cũng tương tự với bệnh về sức khỏe tinh thần.

2. Trên thực tế, hầu hết các khó khăn tâm lý có tính chiều kích liên đới với nhau, chứ không phân định rạch ròi:

Có hai cách tiếp cận trong chẩn đoán hoặc xác định sự hiện diện của một tình trạng về thể lý hay tâm lý, đó là “tiếp cận phân loại” (categorical approach) hoặc “tiếp cận chiều kích” (dimensional approach). Trong tiếp cận phân loại, bạn có hoặc không có một tình trạng nào đó, tách bạch rõ ràng. Ví dụ, X-quang có thể xác định xem bạn có bị gãy xương không. Một tình trạng khác là việc mang thai – bạn chỉ có thể ở trạng thái có thai hoặc không.

Mặt khác, tiếp cận“chiều kích” sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng khác nhau của tình trạng sức khoẻ. Mức độ nghiêm trọng của các rối loạn tâm lý phổ biến nhất như trầm cảm, lo âu và nghiện chất thường được xét trên một trục liên tục. Việc điều trị cho những rối loạn này hướng tới tìm cách hạ mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng xuống đến mức khỏe mạnh, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn sự xuất hiện của tâm trạng xuống dốc hoặc sự leo thang của mức độ lo âu ở một cá nhân. Ngay cả những người không được chẩn đoán gặp phải các rối loạn tâm lý đôi khi cũng có thể gặp phải nỗi buồn và lo âu. Điều này đưa chúng ta đến luận điểm tiếp theo….

3. Cảm xúc tiêu cực cũng có chức năng

Cảm xúc là một nguồn thông tin quan trọng trong việc dẫn dắt hành vi của chúng ta. Chúng báo hiệu cho chúng ta những điều đang diễn ra tốt đẹp, và cả những thứ khiến chúng ta gặp nguy hiểm. Những cảm xúc như buồn bã, tội lỗi, giận dữ và sợ hãi thường được coi là cảm xúc tiêu cực. Thật không dễ chịu chút nào khi trải nghiệm cảm xúc ấy, và thậm chí chúng còn có thể dẫn tới những hệ quả bất lợi cho sự viên mãn và khoẻ mạnh của mỗi chúng ta.

Sự lo âu đóng một phần trong việc cảnh báo chúng ta về các mối đe dọa và nguy hiểm có thể xảy ra. Còn nỗi buồn cho phép chúng ta nhận ra điều gì hoặc ai là quan trọng đối với chúng ta sau một mất mát.

Mặc dù bị nhìn nhận theo một cách tệ hại, những cảm xúc tiêu cực này vẫn mang những ý nghĩa, và có mục đích quan trọng. Ví dụ, sự lo âu đóng một phần trong việc cảnh báo chúng ta về các mối đe dọa và nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu không biết lo lắng, bạn sẽ không nỗ lực đủ để chuẩn bị cho một kỳ thi hoặc một bài thuyết trình quan trọng tại nơi làm việc. Bạn thậm chí có thể băng qua đường mà không để ý xem xe cộ đang lao tới thế nào nếu bạn không có cảm giác lo lắng. Mặt khác, nỗi buồn cho phép chúng ta nhận ra điều gì hoặc ai là quan trọng đối với chúng ta sau một mất mát. Việc năng lượng bị tuột xuống kèm theo nỗi buồn cũng khiến chúng ta chậm lại và xem xét bước tiếp theo mà không khinh suất.
Vì vậy, loại bỏ hoàn toàn cảm giác lo lắng, tâm trạng tồi tệ hoặc một số cảm xúc tiêu cực khác là điều không thể. Một số cá nhân sẽ cố gắng tránh né những cảm xúc này bằng cách kìm nén chúng. Tuy nhiên, dồn nén những cảm xúc này sẽ chỉ gây hại nhiều hơn là thực sự tốt cho chúng ta.

Tầm quan trọng của việc tiếp tục tự chăm sóc (self-care) sau điều trị
Mặc dù không có cách “chữa khỏi hoàn toàn”các khó khăn tinh thần và bệnh lý tâm lý, nhưng phục hồi thì chắc chắn là có thể. Đối với những người đã vượt qua bệnh lý hay khó khăn tinh thần, việc tự chăm lo và chăm chút bản thân là điều vô cùng cần thiết để ngăn ngừa tái lại. Hãy cứ tiếp tục thực hành các chiến lược đương đầu và kỹ thuật ứng phó được hướng dẫn bởi nhà tâm lý của bạn. Bạn có thể theo dõi sức khỏe và mức độ stress của mình, và trở lại gặp nhà trị liệu nếu bạn thấy rằng bạn đang gặp khó khăn trong việc xử lý các yếu tố khiến mình căng thẳng.

 

References.
Brown, T. A., & Barlow, D. H. (1995). Long-term outcome in cognitive-behavioral treatment of panic disorder: Clinical predictors and alternative strategies for assessment. Journal of consulting and clinical Psychology, 63(5), 754.
Burcusa, S. L., & Iacono, W. G. (2007). Risk for recurrence in depression. Clinical psychology review, 27(8), 959-985.
Cigna. (2019). 2019 Cigna 360 Well-being survey well and beyond. Retrieved from https://wellbeing.cigna.com/360Survey_Report.pdf
Phillips, A. C., Carroll, D., & Der, G. (2015). Negative life events and symptoms of depression and anxiety: Stress causation and/or stress generation. Anxiety, Stress, & Coping, 28(4), 357-371.

Có thể bạn quan tâm

HIỆU QUẢ CỦA TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRONG VIỆC ĐIỀU TRỊ CHỨNG MẤT NGỦ

Trị liệu tâm lý có thể giúp người có rối loạn giấc ngủ với

OVERTHINKING – SUY NGHĨ QUÁ MỨC

Overthinking – tiếng Việt thường gọi là suy nghĩ quá mức/ quá lố/ quá

TẠI SAO CHÚNG TA KHÓ THỪA NHẬN SAI LẦM

Dù bạn có thiện chí hay cố gắng tới đâu, trong cuộc đời, không

CON GÁI HƯỞNG LỢI KHI CÓ MẸ ĐI LÀM

Khi tôi mới làm mẹ, mọi việc như chỉ có đúng và sai, nhưng

HIỆU QUẢ CỦA TRỊ LIỆU TÂM ĐỘNG VÀ TRỊ LIỆU GIA ĐÌNH VỚI RỐI LOẠN TRẦM CẢM Ở TRẺ

Tầm quan trọng của lòng tự tín và khả năng điều chỉnh xã hội

HIỂU BIẾT LƯỠNG PHÂN: KHẢ NĂNG TIỀM ẨN CỦA NHÀ TRỊ LIỆU HIỆU QUẢ

Điều gì làm nên một nhà trị liệu giỏi? Với tư cách là nhà