ĐỐI MẶT VỚI MẤT MÁT DO TỰ SÁT
Hướng dẫn dành cho người đang đau buồn vì mất người thân do tự sát – Hiệp Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA)
Chết do tự sát bao giờ cũng là một sự kiện bi kịch, có thể kích hoạt một loạt những cảm xúc phức tạp và hỗn loạn. Những giải pháp sau đây có thể hữu ích với bạn, dù cho chính bạn đang phải đối mặt với sự kiện mất người thân hay bạn đang hỗ trợ một người khác (là trẻ em hoặc một người trưởng thành) vượt qua mất mát đó.
CÁCH THỨC ỨNG PHÓ KHI MỘT NGƯỜI BẠN HOẶC MỘT NGƯỜI THÂN YÊU QUA ĐỜI VÌ TỰ SÁT
Nếu bạn mất đi một người thân yêu vì tự sát, hãy thử những cách thức sau đây để đối mặt với sự kiện đó.
Chấp nhận cảm xúc của mình.
Đau buồn và tuyệt vọng là những cảm xúc có thể được đoán trước. Tuy nhiên, vẫn còn những cảm xúc thông thường khác như sốc, chối bỏ, tội lỗi, xấu hổ, tức giận, bối rối, lo lắng, cô đơn, thậm chí nhẹ nhõm trong vài trường hợp. Đó là những cảm xúc bình thường và chúng có thể thay đổi trong suốt tiến trình hồi phục.
Đừng lo lắng về những gì mà bạn “nên” cảm thấy/ “nên” làm.
Không có khoảng thời gian tiêu chuẩn nào cho đau buồn, cũng như không có cách thức duy nhất nào đúng để ứng phó. Hãy tập trung vào những gì bạn thấy cần, và chấp nhận rằng cách người khác đối diện với vấn đề có thể khác với bạn.
Chăm sóc bản thân.
Cố gắng ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ và lành mạnh. Chăm sóc sức khỏe thể chất giúp cải thiện tâm trạng và thêm sức mạnh để bạn đối mặt với vấn đề.
Sử dụng các nguồn hỗ trợ hiện có
Chấp nhận sự giúp đỡ từ những người đã và đang hỗ trợ bạn trong quá khứ, bao gồm gia đình, bạn bè hoặc các thành viên trong cộng đồng cùng tín ngưỡng.
Trò chuyện với ai đó
Định kiến về tự sát vẫn còn thường xuyên hiện diện và vì thế, người ở lại thường đau khổ trong im lặng. Chia sẻ, nói lên cảm giác của mình có thể sẽ giúp ích.
Tham gia vào một nhóm
Các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn xử lý những cảm xúc của mình, bên cạnh những người đang trải nghiệm những cảm giác tương tự. Thông thường, những người nghĩ rằng mình không thuộc tuýp người phù hợp với các nhóm này lại cảm thấy bất ngờ vì sự hữu ích mà các nhóm ấy mang lại.
Chia sẻ với một nhà chuyên môn.
Tâm lý gia và các nhà chuyên môn về sức khỏe tinh thần có thể giúp bạn bày tỏ, quản lý cảm xúc và tìm ra những cách thức đối mặt lành mạnh.
TRÒ CHUYỆN VỚI TRẺ EM VÀ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VỀ CÁI CHẾT DO TỰ SÁT
Phụ huynh, giáo viên, quản lý nhà trường, những người trưởng thành xung quanh trẻ thường cảm thấy chưa được chuẩn bị sẵn sàng để có thể giúp đỡ trẻ đối mặt với cái chết do tự sát. Những chiến lược sau có thể giúp bạn mở ra một cuộc đối thoại và cung cấp sự hỗ trợ cho trẻ.
Trước hết, hãy làm việc với cảm xúc của chính mình
Tạm ngừng lại để nhìn nhận và quản lý những cảm xúc của chính mình để có thể điềm tĩnh trò chuyện với trẻ.
Hãy thành thật
Đừng quá tập trung vào chi tiết của hành động tự sát, nhưng cũng đừng che giấu sự thật. Hãy sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi của trẻ để nói về sự việc đã xảy ra.
Xác nhận cảm xúc
Giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình: “Có vẻ như con đang giận dữ,” hay “Cô/chú thấy con đang tự trách chính mình nhưng đó không phải lỗi của con.” Hãy nhìn nhận và bình thường hóa cảm xúc của trẻ. Đồng thời chia sẻ cảm giác của riêng bạn, giải thích cho trẻ hiểu rằng mỗi người có thể trải qua những cảm xúc khác nhau, việc trẻ trải qua một loạt những cảm xúc là điều rất bình thường.
Tránh những tin đồn
Đừng bàn tán và suy diễn về lý do tự sát. Thay vào đó, khi nói chuyện với trẻ nhỏ hoặc trẻ vị thành niên, hãy nhấn mạnh rằng người mất đã phải vật lộn và suy nghĩ khác biệt với hầu hết mọi người.
Điều chỉnh sự hỗ trợ của bạn.
Mỗi người thể hiện sự đau buồn với nhịp độ và cách thức của riêng mình. Một số người cần không gian riêng để làm việc với những cảm xúc của bản thân. Hãy tôn trọng sự riêng tư đó, nhưng đồng thời kiểm tra thường xuyên để họ biết rằng họ không đau khổ một mình. Những trẻ khác có thể muốn trò chuyện với ai đó thường xuyên hơn. Vẫn có những trẻ muốn xử lý cảm xúc của mình qua nghệ thuật và âm nhạc. Hãy hỏi trẻ muốn được giúp đỡ như thế nào. Cho trẻ biết rằng thật tốt khi có người ở bên cạnh.
Mở rộng cuộc trò chuyện
Nhân cơ hội này tiếp cận những người có thể cũng đang đau buồn vì mất mát . Hãy hỏi trẻ: “Con và các bạn có thể làm gì để hỗ trợ nhau?”, “Con có thể liên hệ với ai để nhờ giúp đỡ?”, hoặc “Con có thể làm gì nếu con phải vật lộn với những cảm xúc khó?”
CHỈ DẪN CHO NHÀ TRƯỜNG
Thận trọng trong việc thông báo
Nhà trường không nên thông báo nguyên nhân cái chết là do tự sát nếu thông tin chưa được xác nhận bởi gia đình hay trên các phương tiện truyền thông. Khi trao đổi về vụ việc tự sát của học sinh, tránh thông báo trên hệ thống công khai. Sẽ hữu ích hơn nếu giáo viên đọc một thông báo giống nhau ở tất cả các lớp, để các học sinh sẽ biết rằng mọi người đều nhận được một thông tin giống nhau.
Xác định những học sinh cần hỗ trợ nhiều hơn
Những học sinh này gồm bạn bè của của học sinh đã mất, những bạn chung nhóm, chung câu lạc bộ, những bạn đang phải đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng tương tự những gì mà người mất trải qua. Trường hợp ít rõ ràng hơn là những bạn học có mối quan hệ không tốt với người đã mất – bao gồm những bạn đã trêu chọc hay bắt nạt hoặc bị người mất bắt nạt. Những học sinh này có thể cũng có những cảm xúc phức tạp như tội lỗi và hối hận cần được hỗ trợ thêm.
Ngăn chặn bắt chước
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những tin tức sử dụng nhiều ngôn ngữ hình ảnh, giật tít về cái chết hoặc mô tả rõ ràng phương pháp tự sát có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra thêm nhiều cái chết do tự sát. Khi nói chuyện với trẻ, tránh mô tả chi tiết hình ảnh, thay vào đó, hãy tập trung vào hy vọng, sự chữa lành và giá trị của người đã mất khi họ còn sống.
Giảm thiểu sự chú ý có khả năng tác động ngược
Việc tổ chức những sự kiện đặc biệt cho người quá cố có thể gây cảm giác người ấy giống như một người nổi tiếng. Các trẻ dễ bị tổn thương có thể nhận thấy điều này và cho rằng tự sát là cách để được chú ý. Thay vì tổ chức các sự kiện tưởng niệm, thử xem xét việc chấp nhận cái chết bằng những sự kiện hoặc chiến dịch gia tăng nhận thức về tự sát.
Thận trọng trong sử dụng ngôn từ
Để bảo vệ những bạn học cùng có suy nghĩ tự sát, tránh dùng những câu như “Bạn ấy không còn phải chịu đựng nữa”, hoặc “Bạn ấy đang ở một nơi tốt hơn.” Thay vào đó, hãy tập trung vào những khía cạnh tích cực trong cuộc sống của người bạn đã mất. Tránh dùng cụm từ “tự kết liễu đời mình”, thay vào đó, hãy nói bạn mất vì tự sát.
Duy trì đối thoại mở
Giúp học sinh xác định được những người lớn mà trẻ có thể tin tưởng và những nguồn lực khác trẻ có thể tìm đến nếu phải đấu tranh với nỗi buồn và cảm giác muốn tự sát của mình. Hãy đảm bảo để trẻ biết đâu là nơi mình có thể được giúp đỡ, không chỉ vừa sau mất mát, mà còn trong thời gian dài sau đó.
TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ CHUYÊN MÔN:
Nếu bạn hoặc con bạn đang trải qua đau buồn vì mất người thân do tự sát, một tâm lý gia có thể giúp bạn bày tỏ, quản lý cảm xúc và tìm ra những cách thức đối mặt lành mạnh. Nhà tâm lý lâm sàng là những nhà chuyên môn được đào tạo để xác định những vấn đề và khó khăn về tinh thần, cảm xúc và hành vi, đồng thời tìm ra giải pháp để giải quyết chúng.
Đọc bài gốc tại: https://www.apa.org/helpcenter/suicide-coping-tips.pdf
Tìm hiểu thêm về các cách thức ứng phó khác tại: https://www.apa.org/topics/suicide?fbclid=IwAR1XfkyindzM5KcaiP6cD8xIimcziZNx6nIjm9d7tDl_nII-Em7M-RDpj_U