Bộ tài liệu: 100 ngày đầu tiên khi con được chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ (Phần 7.2)

Phần 7.2: Sống chung với tự kỷ

Giải trí 

Trở thành một phần của cộng đồng là điều không thể thiếu để có một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh. Chẩn đoán tự kỷ không thay đổi được điều đó. Điều quan trọng đối với sức khỏe của con bạn là cố gắng lôi kéo chúng tham gia vào cộng đồng của bạn theo những cách phù hợp với chúng. Các hoạt động cộng đồng là cơ hội tuyệt vời để con bạn học các kỹ năng có lợi cho chúng ngay bây giờ và khi chúng chuyển sang tuổi trưởng thành.

Hoạt động giải trí có thể đặc biệt quan trọng đối với những người mắc chứng tự kỷ, tạo cơ hội để thực hành các kỹ năng xã hội, năng khiếu thể chất và tăng động lực. Những hoạt động này cũng có thể giúp tăng cường sự tự tin của con bạn. Một số cha mẹ cho rằng con họ sẽ không thích hoặc không hứng thú với các hoạt động vui chơi giải trí. Có thể sẽ khó để tìm được các hoạt động phù hợp, nhưng lợi ích của các chương trình cộng đồng này sẽ lớn hơn những thách thức mà bạn có thể gặp phải.

10 mẹo để tìm chương trình giải trí tốt nhất cho con bạn

  1. Hãy để con bạn làm chủ việc này

Là cha mẹ, ai cũng chỉ muốn những gì tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải xem xét tất cả sở thích, các khả năng và điểm mạnh của con bạn. Bất cứ khi nào có thể, hãy nói về các chương trình thể thao khác nhau đang có sẵn và cho con bạn suy nghĩ để ra quyết định.

  1. Đặt kỳ vọng thực tế

Để con bạn có thể phát triển tốt trong chương trình, điều quan trọng là phải đặt ra các mục tiêu thực tế và trong tầm tay. Bằng cách này, bạn đang thiết lập để hướng con mình đến thành công!

  1. Tầm quan trọng của giao tiếp

Khi tìm hiểu thông tin về các chương trình, hãy trao đổi với giảng viên hoặc huấn luyện viên. Hãy nói chuyện với họ ngay từ đầu và cho họ biết về những điểm mạnh và thách thức của con bạn. Trao đổi với họ về những gì hiệu quả và những gì không để xem liệu chương trình có phù hợp với con bạn không.

  1. Cứ trải nghiệm

Trao đổi với con bạn về việc học thử chương trình. Vì nhiều trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc chuyển tiếp, chúng có thể trở nên lo lắng hoặc căng thẳng về việc phải đi đâu đó hoặc làm gì đó mới.

Cho trẻ biết những gì chúng sẽ xảy ra để giúp trẻ chuẩn bị tinh thần cho những thay đổi có thể xảy ra. Nhiều phụ huynh và giáo viên sử dụng thời khóa biểu trực quan dưới dạng tranh ảnh để lên kế hoạch cho các hoạt động hàng ngày của trẻ.

  1. Trò chuyện với các bậc cha mẹ khác

Phương thức truyền miệng là một trong những công cụ tốt nhất trong tất cả. Nói chuyện với các phụ huynh khác là một cách tuyệt vời để thực sự hiểu chương trình nói về điều gì. Việc hỏi về kinh nghiệm của họ có thể cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin tuyệt vời.

  1. Các vấn đề về sĩ số

Khi trải nghiệm thử chương trình, cho dù đó là một lớp học hay một nhóm, hãy xem xét tỷ lệ giữa học viên và giáo viên. Chỉ một người hướng dẫn cho một nhóm lớn có thể gây khó khăn cho việc tập trung vào từng cá nhân. Trừ khi chương trình khuyến khích sự tham gia của phụ huynh, sẽ có lợi nếu có trợ giảng hướng dẫn để giúp quản lý lớp học và thực hành.

  1. An toàn là trên hết

Nếu môn thể thao yêu cầu sử dụng bất kỳ thiết bị nào, hãy kiểm tra xem nó có an toàn và được bảo trì tốt hay không. Ngoài ra, hãy xem xét cơ sở vật chất và kiểm tra xem liệu có sạch sẽ và hợp vệ sinh hay không. Thông báo trước về bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc dị ứng nào của trẻ cho người hướng dẫn biết và mang theo bộ sơ cứu bên mình.

  1. Linh hoạt

Hãy hiểu rằng lúc đầu, con bạn có thể không làm được mọi thứ mà những đứa trẻ khác có thể làm. Làm việc trên quá nhiều chi tiết cùng một lúc hoặc dành quá nhiều thời gian cho một nhiệm vụ, có thể dẫn đến quá tải và gây ra thất vọng. Hãy nói chuyện với huấn luyện viên/người hướng dẫn xem liệu các kỹ năng và hoạt động có thể được chia thành các phần nhỏ hơn, dễ quản lý hơn hay không, mục đích là để con bạn có thể cảm thấy thành công hơn mỗi lần. Nếu bạn thấy con mình trở nên thất vọng hoặc mệt mỏi, hãy yêu cầu huấn luyện viên cho phép giải lao một thời gian ngắn và bắt kịp tốc độ của trẻ.

  1. Cố gắng thêm chút nữa

Bất cứ khi nào có thể, hãy giúp trẻ tự kỷ nâng cao trình độ kỹ năng của mình bằng cách luyện tập ở nhà. Tạo không khí vui vẻ và không có căng thẳng cho con. Ban đầu, bạn cũng có thể sắp xếp một hoặc hai buổi học riêng với huấn luyện viên. Trẻ sẽ được quan tâm riêng biệt để chuẩn bị hành trang cho trẻ khi tham gia vào một nhóm.

  1. Hãy kiên nhẫn và luôn tích cực!

Nếu ban đầu, có vẻ như con bạn không tiến bộ nhiều, hãy tiếp tục và động viên trẻ. Mọi người, kể cả người lớn đều thích được công nhận vì đã làm tốt điều gì đó. Do đó, hãy sử dụng nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao! Ngay cả khi con bạn chưa hoàn toàn thành thạo kỹ năng, hãy tưởng thưởng cho nỗ lực đó.

Bắt nạt 

Thật không may, trẻ em mắc chứng tự kỷ thường dễ bị bắt nạt. Trong một nghiên cứu năm 2012, Mạng lưới Tương tác Tự kỷ cho thấy có tổng cộng 63% trong số 1.167 trẻ em mắc chứng tự kỷ, từ 6 đến 15 tuổi, đã từng bị bắt nạt vào một thời điểm nào đó trong đời. Có nhiều công cụ và tài nguyên có sẵn để giúp ngăn chặn việc con bạn bị bắt nạt ở trường.

Nói chuyện với con bạn về hành vi bắt nạt

Điều quan trọng là giúp con bạn nhận ra các dấu hiệu của việc bị bắt nạt. Không phải lúc nào trẻ cũng có thể nhận ra rằng mình đang bị bắt nạt. Trẻ có thể nghĩ rằng đó chỉ là bắt nạt nếu trẻ bị tổn thương về thể chất; trẻ có thể tin rằng đứa trẻ kia đang nói đùa; hoặc trẻ có thể không hiểu các chuẩn mực và các tín hiệu xã hội tinh tế. Trẻ em có thể được hưởng lợi từ định nghĩa về sự khác biệt giữa hành vi thân thiện và hành vi bắt nạt.

 

 

” Quy tắc cơ bản: Cho trẻ biết nếu hành vi đó gây tổn thương hoặc tổn hại đến chúng, về mặt tinh thần hoặc thể chất, thì đó là hành vi bắt nạt.”

 

 

 

Cha mẹ có thể chuẩn bị tinh thần để trò chuyện với con mình bằng cách xem xét cách bản thân họ phải phản hồi thế nào khi nghe về các câu hỏi và cảm xúc của con họ. Họ cũng có thể quyết định loại thông tin mà họ muốn cung cấp cho con mình về hành vi bắt nạt. Cha mẹ nên sẵn sàng:

Lắng nghe

Đó là câu chuyện của con bạn; hãy để trẻ kể điều đó. Trẻ có thể cảm thấy đau đớn về cách trẻ đang được/bị đối xử.

Tin tưởng

Việc biết được một đứa trẻ đang bị bắt nạt có thể làm dấy lên nhiều cảm xúc. Để trở thành người bênh vực hiệu quả, cha mẹ cần phản ứng theo cách khuyến khích trẻ tin tưởng.

Ủng hộ

Nói với trẻ đó không phải là lỗi của trẻ và trẻ không đáng bị bắt nạt. Trao quyền cho trẻ bằng cách nói với trẻ rằng con tuyệt vời như thế nào. Tránh nhận xét đánh giá về trẻ hoặc người bắt nạt con bạn.

Kiên nhẫn

Con bạn có thể chưa sẵn sàng để mở lòng ngay lập tức. Trẻ có thể cảm thấy không an toàn, thu mình, sợ hãi hoặc xấu hổ.

Cung cấp thông tin

Cha mẹ nên giáo dục con mình về hành vi bắt nạt bằng cách cung cấp thông tin ở mức độ mà trẻ có thể hiểu được.

Khám phá những lựa chọn cho các chiến lược can thiệp

Cha mẹ có thể thảo luận về các lựa chọn với con mình để đối phó với hành vi bắt nạt.

Tìm toàn bộ bài viết và nhiều tài nguyên khác về bắt nạt tại specialneeds.thebullyproject.com. Tìm hiểu thêm về bắt nạt và hỗ trợ học sinh mắc chứng tự kỷ trong Bộ công cụ cộng đồng trường học nói về chứng tự kỷ.

Tự kỷ và đi lang thang

Một nghiên cứu năm 2012 từ Mạng lưới Tương tác Tự kỷ đã xác nhận rằng gần một nửa số trẻ em mắc chứng tự kỷ đã cố gắng đi lang thang hoặc chạy trốn khỏi nơi an toàn và được giám sát. An toàn là một phần quan trọng trong cuộc sống của mọi người, dù là ở nhà hay trong cộng đồng. Việc nhận thức về môi trường xung quanh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn thậm chí còn quan trọng hơn đối với người tự kỷ và gia đình của họ. Làm việc với nhóm điều trị của con bạn để lập một kế hoạch an toàn cho con bạn.

Đi lang thang, hoặc rời khỏi nơi an toàn một mình, là mối quan tâm lớn trong cộng đồng tự kỷ. 

Những sự cố liên quan đến việc đi lang thang ở những người mắc chứng tự kỷ đã trở nên quá phổ biến. Để đối phó với những sự cố đáng tiếc và nỗi sợ cho các bậc cha mẹ trong cộng đồng tự kỷ, chúng tôi đã tổng hợp danh sách các bước bạn có thể thực hiện để ngăn chặn việc đi lang thang và giữ an toàn cho con bạn ở trường.

Mặc dù có nhiều cách  để giúp giữ an toàn cho con bạn ở nhà (khóa cửa, hàng rào, cảnh báo hàng xóm, v.v.), nhưng việc phải có kế hoạch để giữ trẻ an toàn ở trường cũng vô cùng cần thiết. 

Bảy bước bạn có thể thực hiện để ngăn chặn tình trạng đi lang thang ở trường của con bạn

  1. Giải quyết các vấn đề đi lang thang trong IEP của con bạn.

Nếu con bạn đã từng có tiền sử về việc đi lang thang, điều quan trọng là phải gọi nói chuyện với nhân viên nhà trường, ban giám hiệu và nhóm IEP của con bạn để báo họ biết về những tình huống trong quá khứ này.

  1. Viết một lá thư yêu cầu rằng bạn sẽ luôn luôn được cập nhật

Cần được thông báo ngay lập tức và bằng văn bản, về bất kỳ sự cố đi lang thang nào trong hoặc ngoài khuôn viên trường. Nếu con bạn được yêu cầu giám sát một kèm một, hãy nhớ nói rõ điều này với nhân viên nhà trường – nên được ghi lại rõ ràng trong IEP – và nhấn mạnh rằng trong mọi trường hợp, không được để con bạn một mình.

  1. Ghi chép cẩn thận tất cả các sự cố liên quan đến việc đi lang thang

Chia sẻ thông tin này với nhân viên tại trường học của con bạn sẽ giúp họ có sự chuẩn bị nếu sự cố như vậy xảy ra ở trường. Ví dụ, con bạn đã được tìm thấy ở đâu trong quá khứ? Trẻ có nhiều khả năng sẽ được thu hút đến nơi nào nhất trong phạm vi gần khuôn viên trường?

  1. Cố gắng loại bỏ tất cả các yếu tố có thể dẫn đến việc đi lang thang trong quá khứ

Ví dụ, nếu con bạn bị thu hút bởi nước, hãy chắc chắn rằng tất cả các hồ bơi, hồ nước, v.v. trong khu vực của trường học đều đã được chặn lại để con bạn không thể tiếp cận chúng.

  1. Hỏi các chính sách của trường về phòng chống việc đi lang thang

Hiểu tất cả mọi biện pháp an ninh mà trường sử dụng. Nếu bạn nghĩ rằng có điều gì đó còn thiếu, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ nói lên mối quan tâm của mình.

  1. Giới thiệu con bạn với tất cả các nhân viên an ninh

Cung cấp cho các nhân viên an ninh thêm thông tin về con bạn, chẳng hạn như cách làm trẻ bình tĩnh lại, trẻ có phản ứng tốt với việc đụng chạm hoặc âm thanh hay không, v.v.

  1. Hãy chắc chắn rằng IEP của con bạn cũng bao gồm các kỹ năng an toàn và các biện pháp phòng tránh đi lang thang

Đưa những kỹ năng này vào các chương trình trị liệu của con bạn nếu có thể.

Kết luận

Chẩn đoán của con bạn có thể sẽ để lại cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuy vậy, dù cho có thế nào đi chăng nữa, hãy nhớ rằng bạn không hề đơn độc. Có rất nhiều người khác đã đi trên con đường này trước bạn. Bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ đấy. Bạn có thể học cách vượt qua thử thách và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của con mình để giúp trẻ có thể được sống đầy đủ và độc lập nhất có thể.

Bạn có thể sẽ bắt đầu trải nghiệm thế giới theo một cách mới. Các ưu tiên của bạn có thể thay đổi và bạn sẽ gặp một số người rất đáng kinh ngạc, những người luôn tận tâm giúp đỡ để những người tự kỷ có thể thành công. Trong lĩnh vực nghiên cứu chứng tự kỷ, mỗi ngày đều có những tiến bộ mới đang được thực hiện, bao gồm nhiều nghiên cứu tìm kiếm các phương pháp điều trị và can thiệp mới.

Hơn tất cả, con bạn sẽ làm bạn ngạc nhiên về sự tiến bộ từ những điều nhỏ nhặt đến những thứ lớn lao hơn. Bạn và con có thể sẽ phải đối mặt với những thử thách, nhưng bạn cũng sẽ trải qua những khoảnh khắc vô cùng vui vẻ.

Bạn sẽ học cách tán dương các quan điểm, điểm mạnh và sở thích độc đáo của con mình; và có đặc quyền hướng dẫn chúng khi chúng lớn lên thành một con người tuyệt vời, đặc biệt.

Chúng tôi cung cấp một số tài nguyên thông tin và bộ công cụ trên trang web của mình để giúp bạn có thể định hướng cuộc hành trình này cùng con mình.

Bộ công cụ 100 ngày này chỉ là khởi đầu. 

Nguồn: Trích dịch từ 100 Day Kit For Families of School Age Children Newly Diagnosed with Autism, Autism Speaks, 2020.

Từ khóa:
Có thể bạn quan tâm

Căng thẳng học tập và các tác động đến thanh thiếu niên

Theo một nghiên cứu tại Đức, bản thân phụ huynh thường vô tình hoặc cố

NHỮNG PHƯƠNG CÁCH ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ ĐỂ HỖ TRỢ TRẺ TRONG MÙA DỊCH

Những ngày tháng sống chung với đại dịch chưa bao giờ là dễ dàng

DẬY SỚM ĐI HỌC LÀM GIẢM CHẤT LƯỢNG GIẤC NGỦ VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀY CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

Một nghiên cứu mới vừa cho thấy việc bắt đầu vào học muộn buổi

TUỔI TÁC CỦA MẸ KHI SANH CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM CỦA CON GÁI

Tuổi tác của mẹ khi sinh con Theo một nghiên cứu được công bố

THIẾT LẬP THÓI QUEN TÍCH CỰC CHO TRẺ TRONG MÙA GIÃN CÁCH

Ngoài các mặt hạn chế nhất định của giai đoạn giãn cách xã hội

25 NGUYÊN TẮC GIÚP ĐỊNH HƯỚNG DẠY HỌC VÀ THIẾT KẾ MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP

Với mong muốn ứng dụng khoa học trong học tập, 3 nhà tâm lý