Bộ tài liệu: 100 ngày đầu tiên khi con bạn được chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ (Phần 5.2)
PHẦN 5: TỰ KỶ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Liệu pháp bao gồm các công cụ, dịch vụ và phương pháp giảng dạy có thể giúp con bạn phát huy hết tiềm năng của mình.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đã được chứng minh là hữu ích để giảm thiểu cảm giác lo lắng và trầm cảm hay những hành vi đôi khi thể hiện ở những người mắc chứng tự kỷ, bằng cách thay đổi suy nghĩ và nhận thức về các tình huống. Thành tố cốt yếu của CBT, phân tách nó khỏi liệu pháp hành vi thông thường, là làm việc để thay đổi nhận thức hoặc cách mà suy nghĩ được xử lý. Các nhà trị liệu tìm cách giảm bớt các hành vi thách thức, chẳng hạn như gián đoạn, ám ảnh, buồn bã hoặc tức giận, đồng thời dạy các cá nhân cách làm quen và quản lý một số cảm giác có thể nảy sinh.
Liệu pháp nhận thức hành vi có thể được cá nhân hóa cho từng cá nhân, điều đó tạo nên sự hiệu quả trong việc cải thiện các hành vi và thách thức rất cụ thể ở mỗi trẻ em hoặc thanh niên. Ổn định cảm xúc và cải thiện hành vi cho phép những người tự kỷ chuẩn bị và phản ứng thích hợp hơn trong các tình huống cụ thể.
Các yếu tố CBT thường được đưa vào đào tạo kỹ năng xã hội ở lứa tuổi học sinh để giúp trẻ em suy nghĩ chính xác hơn về thế giới xã hội và giúp các kỹ năng xã hội được khái quát qua các tình huống.
Thuốc dành cho chứng tự kỷ
Không có thuốc đặc hiệu để điều trị chứng tự kỷ. Thay vào đó, thuốc có thể được sử dụng để điều trị một số triệu chứng của tự kỷ. Những loại thuốc này có hiệu quả nhất khi được sử dụng với các liệu pháp hành vi, chẳng hạn như ABA. Lý tưởng nhất, thuốc là sự bổ sung cho các chiến lược điều trị khác.
Thuốc điều trị hai triệu chứng cốt lõi của chứng tự kỷ là giao tiếp, tương tác xã hội và các hành vi bị hạn chế, lặp đi lặp lại. Từ lâu điều này đã là một trong các lĩnh vực chưa được đáp ứng rất lớn trên thị trường. Tuy nhiên, thật không may khi không có loại thuốc nào trên thị trường hiện nay có hiệu quả làm giảm các triệu chứng này.
Ngày nay, hầu hết các loại thuốc được kê đơn để giảm bớt các triệu chứng của chứng tự kỷ đều được sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ, nghĩa là những thuốc này được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA thông qua dành cho việc điều trị các bệnh lý khác mà có đôi chút liên quan đến tự kỷ; có thể kể đến như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn giấc ngủ hoặc trầm cảm.
Trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn về các loại thuốc có thể sẽ giúp ích cho trẻ.
Điều trị những tình trạng có liên quan
Con bạn có thể cần các dịch vụ để điều trị một số tình trạng có liên quan đến chứng tự kỷ nhưng không phải là một phần của các triệu chứng tự kỷ chính. Chúng thường được gọi là “các dịch vụ có liên quan”. Bao gồm:
Âm ngữ trị liệu
Hầu hết trẻ em mắc ASD tham gia liệu pháp âm ngữ trị liệu. Âm ngữ trị liệu giải quyết một loạt thách thức mà những người mắc chứng tự kỷ thường gặp phải. Ví dụ, một số người tự kỷ không nói được hoặc hạn chế khả năng nói. Những người khác có thể nói chuyện để giao tiếp, nhưng gặp khó khăn khi trò chuyện hoặc sử dụng hay hiểu các sắc thái của ngôn ngữ cũng như các tín hiệu phi ngôn ngữ khi nói chuyện với người khác.
Âm ngữ trị liệu phối hợp cách vận hành của ngôn ngữ với ý nghĩa và bối cảnh xã hội. Khi bắt đầu, chuyên gia âm ngữ trị liệu (SLP) sẽ đánh giá kỹ năng nói của cá nhân (ngôn ngữ biểu đạt), cũng như khả năng nghe hiểu giao tiếp bằng lời và không lời từ người khác (ngôn ngữ nghe hiểu). Từ đánh giá này, chuyên gia đặt ra các mục tiêu có thể bao gồm thông thạo ngôn ngữ nói và/hoặc học các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, chẳng hạn như dấu hiệu hoặc cử chỉ.
Đối với những người gặp khó khăn khi giao tiếp bằng lời nói, các chuyên gia âm ngữ trị liệu sẽ xác định thiết bị và phương pháp tốt nhất để đào tạo cách sử dụng thiết bị giao tiếp hỗ trợ. Đối với những người có thể nói nhiều hơn, liệu pháp có thể tập trung vào việc sử dụng giao tiếp một cách hiệu quả. Trong mỗi trường hợp, mục tiêu đều giúp người đó giao tiếp theo những cách hữu ích và thực tế hơn. Các chuyên gia âm ngữ trị liệu có thể cung cấp liệu pháp theo cách trực tiếp, trong một nhóm nhỏ hoặc trong môi trường lớp học.
Chuyên gia âm ngữ trị liệu có thể giúp một đứa trẻ học cách giao tiếp thông qua các thiết bị hoặc chiến lược giao tiếp bổ sung và thay thế (AAC). AAC đề cập đến tất cả các hình thức giao tiếp ngoài lời nói và có thể bao gồm:
- Thiết bị tạo giọng nói
- Thẻ hình ảnh
- Máy tính
- Máy tính bảng
- Ứng dụng trên điện thoại di động
Trị liệu nghề nghiệp (OT)
Trị liệu nghề nghiệp đưa ra các kết hợp giữa kỹ năng nhận thức, thể chất và vận động. Mục tiêu của can thiệp bao gồm việc giúp một người tăng tính độc lập và tham gia trọn vẹn hơn vào các hoạt động đời sống.
Đối với trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ, trị liệu này thường tập trung vào các kỹ năng liên quan đến:
- Chơi đúng chức năng
- Học tập
- Tự chăm sóc bản
Nhà trị liệu nghề nghiệp có chứng chỉ sẽ thực hiện đánh giá trên các phương diện bao gồm:
- Trình độ phát triển
- Các phong cách học tập
- Khả năng xã hội
- Nhu cầu về môi trường
- Nhu cầu gia đình
Dựa trên đánh giá này, nhà trị liệu xác định mục tiêu và lựa chọn các chiến lược và chiến thuật để nâng cao các kỹ năng chính. Ví dụ, các mục tiêu có thể bao gồm:
- Tự mặc quần áo
- Tự ăn uống
- Chải tóc
- Sử dụng nhà vệ sinh
- Cải thiện kỹ năng xã hội
- Cải thiện kỹ năng vận động tinh
- Cải thiện kỹ năng cảm thụ hình ảnh
Các phiên trị liệu này thường dài từ 30 phút đến một giờ. Số lượng phiên mỗi tuần dựa trên nhu cầu của người đó. Các chiến lược và kỹ năng đã học sau đó được thực hành ở nhà và ở các môi trường khác, bao gồm cả trường học.
Liệu pháp tích hợp giác quan
Nhiều trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin giác quan, chẳng hạn như cử động, xúc giác, khứu giác, thị giác và âm thanh. Liệu pháp tích hợp giác quan (SI) sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để cải thiện cách não bộ diễn giải và tích hợp các thông tin này. Hoạt động trị liệu thường bao gồm liệu pháp tích hợp giác quan.
Các nhà vật lý trị liệu và OT được chứng nhận cung cấp liệu pháp SI. Họ bắt đầu bằng việc đánh giá để xác định mức độ nhạy cảm của một người. Từ thông tin này, nhà trị liệu lập kế hoạch cho một chương trình cá nhân phù hợp cho việc kích thích giác quan với vận động thể chất. Điều này có thể giúp cải thiện cách bộ não xử lý và tổ chức các thông tin truyền đến. Liệu pháp này thường bao gồm các thiết bị như xích đu, bạt nhún và cầu trượt.
Liệu pháp SI có thể giúp những người có vấn đề về giác quan quản lý tốt hơn việc học và các tương tác xã hội. Các thành viên trong gia đình và giáo viên thường thấy rằng các kỹ thuật này làm dịu một đứa trẻ hoặc người lớn bị ảnh hưởng, củng cố hành vi tích cực và giúp chuyển đổi giữa các hoạt động.
Vật lý trị liệu (PT)
Nhiều người tự kỷ gặp thử thách với các kỹ năng vận động, chẳng hạn như ngồi, đi bộ, chạy và nhảy. Vật lý trị liệu (PT) tập trung vào các vấn đề về chuyển động gây ra những hạn chế trong cuộc sống thực. PT có thể cải thiện vấn đề trương lực cơ kém, thăng bằng và phối hợp.
Các nhà trị liệu vật lý (được cấp chứng chỉ cho việc cung cấp liệu pháp vật lý trị liệu) sẽ bắt đầu bằng việc đánh giá khả năng thể chất và mức độ phát triển của một người. Sau đó, họ thiết kế các chương trình hoạt động nhằm vào các khu vực có khó khăn. Các phiên PT thường kéo dài từ 30 phút đến một giờ, bao gồm chuyển động có hỗ trợ, các hình thức tập thể dục khác nhau và sử dụng thiết bị chỉnh hình. Số buổi mỗi tuần dựa trên nhu cầu của từng cá nhân.
Dinh dưỡng trị liệu
Các vấn đề về ăn uống thường gặp ở trẻ tự kỷ và có thể dẫn đến các vấn đề về dinh dưỡng. Việc cho ăn có thể gây căng thẳng cho cả trẻ và gia đình. Vấn đề trong việc cho ăn có thể kể đến bao gồm:
- Khó nhai
- Khó nuốt
- Khó khăn khi thử các loại thực phẩm hoặc dạng kết cấu thức ăn mới
- Khó chịu trong giờ ăn
Dinh dưỡng trị liệu có thể giúp mọi người phát triển các thói quen và hành vi ăn uống hiệu quả hơn. Đánh giá có thể xác định nguyên nhân của các vấn đề trong việc cho ăn, bao gồm:
- Những vấn đề về sức khoẻ
- Những thách thức về hành vi
- Các vấn đề về cảm quan
Trao đổi với người chăm sóc sức khỏe của con bạn về lợi ích của dinh dưỡng trị liệu. Khắc phục các vấn đề về ăn uống có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm các hành vi thách thức.
Các nhà nghiên cứu đang xem xét tác động của chế độ ăn không chứa gluten, không chứa casein (GFCF) đối với những người mắc chứng tự kỷ. Nhiều gia đình đã nhận thấy mức độ thoải mái và hành vi của con mình được cải thiện nhờ kế hoạch ăn uống này. Nhưng nó không có tác dụng với tất cả mọi người. Trong khi chế độ ăn kiêng GFCF đã được sử dụng trong cộng đồng tự kỷ trong một vài thập kỷ, nó đã không được chứng minh là giúp cải thiện các triệu chứng hoặc hành vi tự kỷ trong các nghiên cứu có đối tượng là nhóm được kiểm soát. Nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn về chế độ ăn kiêng GFCF.
Huấn luyện kỹ năng xã hội
Những người mắc chứng tự kỷ thường gặp rắc rối với các tương tác xã hội. Huấn luyện kỹ năng xã hội trong môi trường 1:1 và nhóm đồng đẳng là một phương pháp điều trị phổ biến. Huấn luyện kỹ năng xã hội tập trung vào cả các kỹ năng đơn giản, như giao tiếp bằng mắt và các kỹ năng khó hơn, như mời một người bạn cùng chơi.
Huấn luyện kỹ năng xã hội không phải là một hình thức trị liệu chính thức hoặc được chứng nhận. Nhưng nhân viên xã hội, chuyên gia âm ngữ trị liệu và nhà tâm lý học thường kèm theo loại hình huấn luyện này khi trị liệu cho trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ. Cha mẹ, các thành viên trong gia đình và những người chăm sóc khác có thể học cách kết hợp việc đào tạo các kỹ năng xã hội cả khi đang ở trong hay ngoài môi trường gia đình. Ngày càng có nhiều tài liệu ủng hộ cho hiệu quả của huấn luyện kỹ năng xã hội trong việc cải thiện hành vi xã hội ở những người mắc chứng tự kỷ có khả năng nhận thức; và việc nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành.
“Cũng như việc mỗi trẻ tự kỷ đều khác nhau, phản ứng của mỗi trẻ với các phương pháp điều trị cũng vậy.”
Làm sao để lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp
Là cha mẹ, bạn muốn làm mọi thứ có thể để giúp con mình. Nhiều bậc phụ huynh háo hức thử các phương pháp điều trị mới, ngay cả khi chúng chưa được chứng minh là có hiệu quả. Hy vọng của bạn đặt lên con mình có thể khiến bạn sẵn sàng thử cả các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng.
Việc thu thập thông tin về một liệu pháp mà bạn muốn thử có thể sẽ hữu ích cho quá trình chọn lựa. Trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn, cũng như các thành viên trong nhóm can thiệp, thảo luận về những rủi ro và lợi ích tiềm ẩn mà các phương pháp mang đến. Cha mẹ của những trẻ lớn hơn mắc chứng tự kỷ có thể cung cấp cho bạn tiền sử về các liệu pháp và can thiệp y sinh mà họ đã thử. Điều này có thể bao gồm một số “phương pháp chữa trị” đầy hứa hẹn cho chứng tự kỷ trong nhiều năm. Một trong số chúng có thể hữu ích cho một số ít trẻ em. Sau cả một quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt thì không một phương pháp “chữa bệnh” nào có thể được xem là hợp lệ cả.
Trên thực tế, một số phương pháp chưa được chứng minh lại có hại cho nhiều người, vì vậy, điều rất quan trọng là phải thảo luận tất cả những ý kiến này với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn trước khi thử. Tìm kiếm bằng chứng hợp lệ về mặt khoa học, thông qua các nghiên cứu đã được công bố, về các phương pháp điều trị mà bạn quan tâm. Nếu bạn tự nghiên cứu, hãy đảm bảo rằng các nguồn bạn tìm đã được công bố và đáng tin cậy, chẳng hạn như các trang web kết thúc bằng .gov, .edu hoặc .org. Nếu bạn muốn xem xét một biện pháp can thiệp hoặc điều trị cụ thể, hãy tìm hiểu xem có bằng chứng khoa học để chứng minh điều đó hay không.
Việc chọn một phương pháp điều trị cho con mình có thể khiến bạn cảm thấy quá sức. Phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của con bạn và các chuyên gia khác có liên quan đến việc điều trị cho trẻ để tìm hiểu về tất cả các lựa chọn. Con đường của con bạn có thể sẽ khác với con đường của những trẻ tự kỷ khác mà bạn có thể đã biết. Hãy tập trung vào việc tìm kiếm các dịch vụ và hỗ trợ phù hợp với con bạn và gia đình bạn.
Nguồn: Trích dịch từ 100 Day Kit For Families of School Age Children Newly Diagnosed with Autism, Autism Speaks, 2020