Bộ tài liệu: 100 ngày đầu tiên khi con bạn được chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ (Phần 5.1)
PHẦN 5: TỰ KỶ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Mỗi trẻ em hay người lớn mắc chứng tự kỷ đều là những cá thể độc nhất. Vì thế, mỗi kế hoạch can thiệp tự kỷ cần được “đo ni đóng giày” cho từng trường hợp để giải quyết các nhu cầu cụ thể riêng biệt của mỗi cá nhân. Điều trị chứng tự kỷ thường là một công việc rất chuyên sâu, toàn diện, liên quan đến toàn bộ gia đình của trẻ và nhóm các chuyên gia. Một số chương trình có thể được thực hiện tại nhà. Chuyên gia cũng có thể đào tạo để bạn có thể ứng xử với con mình như một nhà trị liệu, dưới sự giám sát của chuyên gia. Một số chương trình được giảng dạy tại trung tâm hoặc lớp học chuyên biệt. Không có gì ngạc nhiên khi gia đình chọn kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
Các từ ngữ như điều trị, trị liệu và can thiệp đều có ý nghĩa giống nhau.
Bác sĩ nhi khoa, bác sĩ nhi khoa phát triển, nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội của con bạn có thể đưa ra đề xuất hoặc giúp bạn ưu tiên các liệu pháp phù hợp dựa trên điểm mạnh và thách thức của con bạn, theo thông tin được xác định qua quá trình đánh giá. Khi bạn đã thu hẹp các lựa chọn về liệu pháp, hãy tìm hiểu thêm về từng loại một để giúp bạn có thể đưa ra quyết định về các phương pháp điều trị.
Đối với nhiều trẻ em, chứng tự kỷ phức tạp bởi các tình trạng bệnh lý và các triệu chứng không đặc hiệu cho chứng tự kỷ. Nếu con bạn có các tình trạng về bệnh lý hoặc về mặt sinh học, chúng cũng cần được điều trị. Bao gồm những ví dụ như:
- Dị ứng
- Không dung nạp thực phẩm
- Các vấn đề về đường tiêu hóa
- Rối loạn giấc ngủ
Các chương trình điều trị có thể kết hợp các liệu pháp cho cả các triệu chứng chính của tự kỷ và các triệu chứng liên quan này. Ví dụ: nếu nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ không phải do vấn đề về mặt y khoa, thì có thể sử dụng biện pháp can thiệp hành vi để giải quyết vấn đề này.
Liệu pháp bao gồm các công cụ, dịch vụ và phương pháp giảng dạy có thể giúp con bạn phát huy hết tiềm năng của mình.
Trò chuyện với bác sĩ nhi khoa đang trị liệu con bạn để biết thêm thông tin về các liệu pháp. Tìm hiểu thêm về các liệu pháp được khuyến nghị trước khi con bạn bắt đầu điều trị. Đồng thời, hãy nói chuyện với các bậc cha mẹ có kinh nghiệm, xem xét nghiên cứu hỗ trợ và đảm bảo rằng bạn hiểu rõ về những thông tin liên quan trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp nào cho con bạn.
Rất nhiều thông tin về chứng tự kỷ đã được công bố thông qua nghiên cứu và kinh nghiệm tích lũy được. Tuy nhiên nó vẫn là một rối loạn phức tạp tác động đến mỗi người theo nhiều cách khác nhau. Nhiều trẻ tự kỷ tiến bộ rõ rệt khi các dịch vụ và hỗ trợ được kết hợp một cách phù hợp. Cũng như việc những thử thách của con bạn không thể tóm gọn trong một từ, do vậy chúng có thể không được khắc phục bằng chỉ một liệu pháp duy nhất. Mỗi thách thức phải được giải quyết bằng một liệu pháp thích hợp. Không có cách tiếp cận duy nhất nào là phù hợp với mọi đứa trẻ.
Những lựa chọn trong điều trị
Nhiều gia đình chọn một hình thức can thiệp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của con họ và phong cách nuôi dạy con cái của gia đình. Tất cả các dịch vụ mà trẻ nhận được đều dựa trên loại hình can thiệp cụ thể. Những biện pháp can thiệp này được phát triển chỉ dành cho việc điều trị chứng tự kỷ. Thời gian can thiệp cần diễn ra trong nhiều giờ trong một tuần để thực hiện các mục tiêu hành vi, phát triển và/hoặc giáo dục đã đề ra. Trong quá trình điều trị, có thể cần đánh giá lại phương pháp nào là tốt nhất cho con bạn.
” Các liệu pháp không phải lúc nào cũng được áp dụng dưới hình thức thuần túy ban đầu. Một số nhà trị liệu làm việc với liệu pháp này, có thể sử dụng các kỹ thuật từ một liệu pháp khác.”
Phân tích hành vi ứng dụng (ABA)
Phân tích hành vi ban đầu được mô tả bởi nhà tâm lý học B.F. Skinner vào những năm 1930. Các nguyên tắc và phương pháp phân tích hành vi đã được áp dụng hiệu quả trong nhiều trường hợp để phát triển một loạt các kỹ năng ở người học kể cả có khuyết tật hay không khuyết tật. Phân tích hành vi là một cách tiếp cận đã được khoa học chứng thực, với mục đích là hiểu hành vi và cách nó bị ảnh hưởng bởi môi trường. Trong phân tích hành vi, “hành vi” bao gồm các hành động và kỹ năng. “Môi trường” bao gồm bất kỳ ảnh hưởng nào có thể thay đổi hoặc bị thay đổi bởi hành vi của một người. Điều này bao gồm các khía cạnh của bối cảnh vật lý, chẳng hạn như quang cảnh, âm thanh, mùi, cũng như bối cảnh xã hội; chẳng hạn như ai đang có mặt và cách họ có thể giao tiếp. Phân tích hành vi đã giúp nhiều người học đạt được nhiều kỹ năng khác nhau – từ lối sống lành mạnh đến việc học một ngôn ngữ mới.
Phân tích hành vi tập trung vào các nguyên tắc giúp giải thích việc học tập được diễn ra như thế nào. Trong đó, củng cố tích cực là một trong những nguyên tắc này. Khi một hành vi được kèm theo sau bởi vài phần thưởng nào đó, hành vi đó có nhiều khả năng sẽ được lặp lại và củng cố. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, các chuyên gia đã phát triển nhiều kỹ thuật để tăng tính hữu ích và giảm bớt những hành vi có thể gây hại hoặc cản trở việc học.
Phân tích Hành vi Ứng dụng (ABA) là việc sử dụng các kỹ thuật và nguyên tắc này để mang lại sự thay đổi có ý nghĩa và tích cực trong hành vi. Kể từ đầu những năm 1960, hàng ngàn nhà trị liệu đã sử dụng ABA để dạy các kỹ năng mới và giảm các hành vi có vấn đề ở những người mắc chứng tự kỷ. Những kỹ năng này bao gồm:
- Giao tiếp
- Chơi
- Xã hội
- Học thuật
- Tự chăm sóc
- Công việc
- Sinh hoạt cộng đồng
Nghiên cứu đã chứng minh rằng ABA có hiệu quả để cải thiện kết quả của trẻ em, đặc biệt là các là các kỹ năng chức năng (kỹ năng sống hàng ngày), đồng thời cũng có thể cải thiện khả năng nhận thức và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Khả năng nhận thức bao gồm bất cứ điều gì liên quan đến suy nghĩ và học tập. Trong vài thập kỷ qua, các mô hình khác nhau sử dụng ABA đã xuất hiện, tất cả đều sử dụng các chiến lược dựa trên các công trình của Skinner. ABA có thể khó hiểu cho đến khi bạn thấy nó hoạt động. Mô tả điểm chung của các phương pháp khác nhau của ABA có thể hữu ích cho việc diễn giải hơn. Tất cả các phương pháp ABA đều sử dụng quy trình ba bước để dạy:
- Tiền đề: Đây là một kích thích bằng lời nói hoặc vật lý, chẳng hạn như mệnh lệnh hoặc yêu cầu. Điều này có thể đến từ chính trẻ, từ môi trường hoặc từ một người khác.
- Hành vi: Đây là phản ứng hoặc thiếu phản ứng của đối với tiền đề.
- Kết quả: Điều này phụ thuộc vào hành vi. Kết quả có thể bao gồm sự củng cố tích cực của hành vi mong muốn hoặc không có phản ứng đối với những phản ứng không mong muốn.
ABA nhắm mục tiêu vào việc học các kỹ năng cần thiết và giảm các hành vi thách thức. Hầu hết các chương trình ABA đều có kết cấu vững chắc. Các kỹ năng và hành vi đều hướng đến mục tiêu dựa trên một chương trình giảng dạy đã được lên kế hoạch. Các nhà trị liệu ABA chia nhỏ từng kỹ năng thành các bước nhỏ và dạy trẻ bằng cách sử dụng những gợi nhớ, và dần dần giảm bớt những gợi nhắc khi trẻ đã thành thạo các bước trên. Trẻ sẽ có cơ hội lặp đi lặp lại các kỹ năng để học và thực hành từng bước trong nhiều bối cảnh khác nhau. Mỗi khi trẻ đạt được kết quả mong muốn, chúng sẽ nhận được sự củng cố tích cực, chẳng hạn như lời khen ngợi hoặc điều thúc đẩy nào đó khác. Sau đó, nhà trị liệu sẽ xây dựng dựa trên những kỹ năng này để đứa trẻ học được cách học trong môi trường tự nhiên.
Ở trẻ nhỏ, các chương trình ABA thường bao gồm hỗ trợ cho trẻ trong môi trường học một kèm một. Các nhà trị liệu đo lường độ thành công bằng cách quan sát trực tiếp, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu – tất cả các thành phần quan trọng của ABA.
Sự hiệu quả ABA mang lại cho chứng tự kỷ không phải lúc nào cũng giống nhau trong mọi trường hợp và không phải là một tập hợp các chương trình hoặc bài tập “đóng hộp”. Thay vào đó, một nhà trị liệu lành nghề sẽ tùy chỉnh can thiệp dựa trên các kỹ năng, nhu cầu, sở thích, sự ưu tiên và hoàn cảnh gia đình của từng trẻ. Vì vậy, chương trình ABA cho người học này sẽ khác với chương trình cho một người học khác. ABA thay đổi khi nhu cầu của người học thay đổi. Các gia đình có thể sử dụng các nguyên tắc ABA trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Có một số kỹ thuật và phương pháp tiếp cận ABA cụ thể được các nhà trị liệu sử dụng để điều trị trẻ tự kỷ. Kỹ thuật truyền thống nhất được sử dụng trong can thiệp sớm là Huấn luyện liên tục (DTT), bao gồm dạy từng kỹ năng riêng lẻ bằng cách lặp đi lặp lại các lượt thử và phần củng cố được sử dụng có thể liên quan hoặc không liên quan đến kỹ năng đang được dạy. Liệu pháp phản hồi then chốt (PRT) và Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) là hai cách tiếp cận khác sử dụng các cơ hội củng cố tự nhiên – ví dụ: nếu một đứa trẻ cố gắng yêu cầu một con thú nhồi bông, phần thưởng sẽ là thú nhồi bông, không phải kẹo hoặc phần thưởng không liên quan khác. Mặc dù các phương pháp tiếp cận ABA này được sử dụng thường xuyên nhất trong can thiệp , nhưng các phương pháp tiếp cận này vẫn tiếp tục được tích hợp vào phương pháp điều trị dựa trên ABA đối với trẻ em ở độ tuổi đi học.
Nguồn: Trích dịch từ 100 Day Kit For Families of School Age Children Newly Diagnosed with Autism, Autism Speaks, 2020